Ngày 12/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 243/TB-UBND, kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) tại phiên họp số 19.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phải nâng cao hơn nữa nhận thức trước tình hình diễn biến phức tạp mới, cần phải tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể: Tập trung công tác giám sát những trường hợp người nước ngoài, hoặc người Việt Nam nhập cảnh hoặc đi từ các tỉnh, thành phố có người nhiễm bệnh đến sân bay Nội Bài phải khai báo y tế để rà soát các dấu hiệu của bệnh, kiểm soát thân nhiệt phát hiện sớm những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh.
Tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân về diễn biến tình hình dịch Covid-19 để người dân trên địa bàn thành phố: Yên tâm khi thực hiện cách ly và tích cực phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Thấy được nguy cơ của những người đến từ vùng dịch để những gia đình có người nhà, con em đi học từ các nước trong vùng dịch như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... khi trở về thì phải chủ động khai báo trung thực thông tin đến cơ sở y tế, tự giác thực hiện cách ly để phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hiểu được những việc được làm và những việc không nên làm trong việc phòng chống dịch để bảo vệ bản thân và gia đình, biết rõ nguy cơ lây nhiễm từ những người đi từ vùng bệnh về và những người có tiếp xúc với những trường hợp dương tính với dịch Covid-19, không gây lo lắng thái quá trong cộng đồng và yên tâm, tin tưởng về công tác phòng, chống dịch của chính quyền.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những trường hợp tiếp xúc (F1, F2), toàn bộ kinh phí xét nghiệm được thành phố chi trả. Đối với những trường hợp (F3) nếu có dấu hiệu bất thường phải khai báo cơ quan chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế để giám sát, theo dõi và có những giải pháp xử lý chặt chẽ.
Sở Y tế cùng Sở Tài chính khẩn trương trình UBND thành phố xin ý kiến thống nhất Thường trực HĐND thành phố về việc hỗ trợ tiền ăn (mức 100.000 đồng/người/ngày) cho người phải cách ly và chế độ cho những người tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế chú ý công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành.
Phải thực hiện tốt công tác giám sát cách ly tại nhà, tránh đi ra ngoài, vận động người dân tham gia giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú. Khuyến cáo nhân dân khi tham gia hoạt động ở những nơi công cộng hoặc tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng nên đeo khẩu trang.
Quán triệt tới các công chức, viên chức trong công tác phòng, chống dịch khi thực hiện trách nhiệm thực thi công việc, giao tiếp với người dân không được sử dụng những từ ngữ mang tính chất nhạy cảm, phân biệt, gây bức xúc cho người dân; hướng dẫn, giải thích người dân phải xưng hô đúng mực, chân thành tạo tâm lý thân thiện, gần gũi.
Công an thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện kịp thời những trường hợp khai báo không trung thực, đưa những thông tin sai lệch không chính xác về dịch bệnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.