Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - điểm sáng 30 năm thu hút FDI

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lợi thế về vị trí địa lý cùng khả năng liên kết vùng, khu vực thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng và sự năng động của lãnh đạo TP, những năm qua, Hà Nội đã thu hút có hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước được DN nước ngoài ưu tiên lựa chọn.

Bài 1: Những con số ấn tượng
Sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội vươn mình mạnh mẽ thu hút FDI. Lũy kế đến tháng 9/2018, TP Hà Nội có 4.375 dự án, vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến nay đạt 33,8 tỷ USD.
 Trung tâm thương mại, khách sạn Lotte góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại. Ảnh: Hà Hoàng
Thu hút FDI cao nhất trong 30 năm
Trong những năm đầu của giai đoạn (1989 - 1992), nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mới đầu tư vào Hà Nội với tính chất thăm dò thị trường nên số dự án và vốn đầu tư đăng ký còn khiêm tốn (năm 1989 thu hút được 4 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 48 triệu USD).
Chỉ đến năm 1995, 1996 mới có sự nhảy vọt về vốn đầu tư thu hút (1995: 1,05 tỷ USD; 1996: 2,6 tỷ USD) với các dự án lớn như: Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Dự án Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken, Công ty Daewoo Hanel... Năm 2005 là một mốc son đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 1,58 tỷ USD với 166 dự án. Cùng với đó, năm 2008 là năm đánh dấu Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, vốn FDI năm 2008 đạt 5 tỷ USD với 303 dự án.
Tạp chí tài chính nổi tiếng thế giới Financial Times gần đây nhất đánh giá, Hà Nội đứng vị trí thứ 17 trong các TP thu hút nhất thế giới.
Kể từ khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực (năm 2014) giai đoạn 2015 đến tháng 9/2018, nguồn vốn nước ngoài đổ vào TP đã liên tục tăng mạnh thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước. Lũy kế đến tháng 9/2018, TP Hà Nội có 4.375 dự án, vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến nay đạt 33,8 tỷ USD.
Riêng 2 năm 2016 - 2017 đến tháng 6/2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Đáng chú ý, từ tháng 7, tháng 8 và 9 năm 2018, Hà Nội liên tiếp đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Tính đến nay, số vốn ĐTNN thực hiện giải ngân trên địa bàn TP đạt khoảng 15,6 tỷ USD, bằng 47% vốn đầu tư đăng ký.
Thay đổi cơ cấu kinh tế, làm tăng GRDP
Với những kết quả về thu hút và giải ngân FDI trong những năm qua, ĐTNN đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển Thủ đô. Đây là kênh bổ sung vốn và làm tăng nhanh tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Thủ đô (chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội), góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của TP trong những năm qua (trung bình đạt 7,11%); số thu NSNN từ DN FDI chiếm khoảng 12% - 13% trên địa bàn toàn TP, đồng thời, tạo thêm việc làm cho hơn 270.000 lao động trẻ; Giai đoạn 2011 - 2017 khối FDI chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các thành phần kinh tế Thủ đô (bình quân 47,3%) và có xu hướng tăng dần, giúp TP hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ĐTNN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là tác nhân chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển các KCN tập trung với các ngành có lợi thế như công nghiệp. Năm 1995, Hà Nội có KCN đầu tiên là KCN Nội Bài. Sau 22 năm, đến nay, trên địa bàn TP có 17 KCN và 1 khu công nghệ cao; có 5 KCN do NĐTNN làm chủ đầu tư hạ tầng, 9 khu đã đi vào hoạt động.
Xét theo lĩnh vực đầu tư vào Hà Nội, đến nay, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (10,8 tỷ USD – chiếm 32,3%), công nghiệp chế biến chế tạo (7 tỷ USD – chiếm 21%), thông tin và truyền thông (3,75 tỷ USD – chiếm 11,2%), dịch vụ xây dựng (2,6 tỷ USD - 7,7%), dịch vụ thương mại (1,86 tỷ USD - 5,6%),...
Các KCN của Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định về thu hút ĐTNN thúc đẩy các ngành công nghiệp của Thủ đô. Lũy kế đến tháng 9/2018, có 649 dự án trong các KCN, trong đó 335 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 4,3 tỷ USD. Các dự án trong lĩnh vực chế tạo công nghiệp gồm: Canon, Hoya Glass, Meiko, Nidec… góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của TP.
Ở lĩnh vực dịch vụ, sự phát triển các khu đô thị, hệ thống cao ốc văn phòng - khách sạn - trung tâm thương mại, siêu thị, y tế, giáo dục,… cũng có sự tham gia của khu vực kinh tế này, đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân như, lĩnh vực môi trường có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống; lĩnh vực viễn thông Công ty Vietnamobile … Dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) 4,13 tỷ USD. Đây được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.
Khu vực FDI, góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam 72 tầng; Trung tâm thương mại, khách sạn Lotte 65 tầng, 2 Trung tâm thương mại Aeonmall tại Long Biên và Hà Đông, các khách sạn 5 sao quốc tế: Metropole, Hilton, Sheraton… góp phần đưa Hà Nội vào nhóm 10 TP được xếp hạng có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
(còn nữa)