Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định
Báo cáo về kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định, năm 2016, kinh tế Hà Nội ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,03% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 173,84 nghìn tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trung bình cả năm 2016 ước tăng 3,01 - 3,07%. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 424 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư nước ngoài 2,8 tỷ USD; vốn đăng ký của DN trong nước 204 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. “Đạt được kết quả trên, các DN đóng vai trò quyết định” – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2016, Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng DN khởi nghiệp và thu hút đầu tư nhờ có môi trường đầu tư thông thoáng. Chỉ tính riêng năm 2016, Hà Nội đã có gần 23.000 DN thành lập mới, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn lên trên 200.000 DN, hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Điều đó đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống Nhân dân; Đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cao nhất trong 6 năm qua (năm 2016, GRDP ước tăng 8,03%). Kết quả đó một mặt cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện của TP đối với các DN; mặt khác phản ánh niềm tin của cộng đồng DN, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của TP” - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Sẽ cơ cấu lại quỹ xúc tiến đầu tư của Thành phố
Trực tiếp giải đáp một số câu hỏi và kiến nghị của DN liên quan tới hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn Hà Nội trước đây nằm ở các sở, hiện được quy về một đầu mối đó là Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch. “Tuy nhiên, chúng ta đi chủ yếu là xem và xúc tiến. Kết quả ký kết các hợp đồng thương mại (sau các hội chợ), so với số tiền chúng ta bỏ ra để xúc tiến đầu tư còn thấp hơn. Chúng tôi đã nhận thức ra vấn đề này” – Chủ tịch UBND TP cho biết. Để khắc phục vấn đề trên, lãnh đạo Hà Nội đã họp 3 phiên và đã quyết định cơ cấu lại Quỹ xúc tiến đầu tư của TP. Ngoài ra, từ tháng 8 vừa qua, Thường trực và Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định từ năm 2017 -2018, TP sẽ chi 1 triệu USD để quảng bá hình ảnh Hà Nội trên kênh truyền hình CNN.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chọn DN có nhu cầu tìm hiểu thị trường và ký kết chuyển giao công nghệ, nhằm chuyển giao thành chuỗi và cung ứng cho nước ngoài. Ví dụ trong việc xây dựng chiến lược cho mặt hàng lưu niệm liên quan tới du lịch, TP có thể cử các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham dự các hội chợ hàng lưu niệm, hoặc cũng có thể chuyển giao và giúp các DN tiếp cận công nghệ tiên tiến để sản xuất các mặt hàng này.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Đỗ Quang Hiển nhìn nhận, nhiều năm qua, Hà Nội đã quan tâm chi ngân sách cho Quỹ xúc tiến thương mại, các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ này hiện đang không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội kiến nghị chuyển Quỹ xúc tiến thương mại và đầu tư cho Hiệp hội DNNVV quản lý.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các chương trình xúc tiến thương mại thời gian qua chưa thực hiệu quả vì chủ yếu do cơ quan Nhà nước làm. “Phải là DN làm họ mới hiểu họ cần gì, thông điệp như thế nào. DN là chủ thể, Nhà nước chỉ là phụ trợ, cần thay đổi tư duy về xúc tiến thương mại và ngân sách thì mới làm tốt được” – ông Lộc chia sẻ.
Bên cạnh đó, các DN cũng kiến nghị TP phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong thủ tục phục vụ của công chức.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, trước đây, quy trình DN xin ý kiến các sở, ban ngành phải trải qua 3 - 5 vòng, qua cải cách đến nay còn 2 vòng. “Một vòng do các sở chủ trì, sau đó trình TP quyết. Nhưng như vậy cũng chưa đạt. Tới đây, tôi cam kết chỉ còn một vòng” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Ủng hộ các dự án công nghệ cao, thúc đẩy khởi nghiệp
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo TP giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB. Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội đề nghị UBND TP và UBND huyện Mê Linh hỗ trợ, giúp đỡ Hanoimilk GPMB để thực hiện Dự án Trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi sông Hồng. Theo đó, đại diện Hanoimilk mong muốn được áp dụng các cơ chế hỗ trợ và mức đơn giá hỗ trợ đến GPMB thấp nhất để DN không gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu và có thể thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả. Ngoài ra, DN này cũng mong muốn được TP cho phép và tạo điều kiện để triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP, trước tiên là huyện Mê Linh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP thực hiện các chính sách ưu tiên cho DN thực hiện các dự án công nghệ cao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. TP hiện rất quan tâm và ưu tiên cho nhà đầu tư vào hạ tầng khu công nghệ cao. Chủ tịch UBND TP giao Sở KH&ĐT gửi tất cả chính sách cụ thể tới DN.
Liên quan tới thúc đẩy DN khởi nghiệp, sáng tạo, trong 9 tháng vừa qua, TP đã tiếp xúc với các nhà khởi nghiệp sáng tạo của Anh, Australia... Trung tâm sáng tạo khởi nghiệp đầu tiên sẽ ra đời, với giai đoạn đầu hỗ trợ thông tin để tiếp cận và thành lập DN (thủ tục pháp lý, kế toán); Hai là hỗ trợ tiếp cận KHKT; Ba là kết nối để các sản phẩm được thương mại hóa và tung ra thị trường. Lãnh đạo TP cho hay: “Trung tâm này dự kiến sẽ được thành lập tại trụ sở Bộ KH&CN. Về quỹ đầu tư mạo hiểm, hy vọng Hiệp hội DNNVV sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực này, với sự dẫn đường của quỹ TP”.
Sẽ luôn sát cánh cùng Hà Nội
Đồng hành với lãnh đạo và các DN Hà Nội trong suốt thời gian qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cảm nhận rõ: “Kể từ khi Hà Nội có bộ máy lãnh đạo mới, tôi cảm nhận rất rõ nhiều thay đổi tích cực. Hà Nội không bắt đầu bằng những tuyên bố to tát mà bắt đầu bằng những chương trình hành động cụ thể”.
Thay mặt cho cộng đồng DN, ông Lộc đánh giá cao môi trường kinh doanh của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. “Cơ chế đối thoại được thực hiện liên tục, đây là điểm sáng trong điều hành của chính quyền Thủ đô, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo TP” – ông Lộc nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, Hà Nội phải làm thế nào để chuyển quyết tâm của những người đứng đầu lan tỏa đến từng công chức quận, huyện là thách thức lớn nhất, quyết định thành bại của công cuộc cải cách. Theo đó, tác phong lề lối làm việc của cán bộ công chức phải được thay đổi. Công cuộc cải cách sẽ không chỉ dừng lại ở thủ tục mà còn liên quan tới hành vi của công chức tại công sở. Đây cần là vấn đề trọng tâm, cần phải được đẩy nhanh hơn nữa và vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.
Ông Lộc gợi ý, ngoài các cuộc đối thoại chính thức thì Hà Nội nên có hình thức trao đổi không chính thức, ví như “Cà phê doanh nhân” về các vấn đề, lĩnh vực riêng. “Cà phê doanh nhân sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên” – Chủ tịch VCCI chia sẻ. Bên cạnh đó, các vấn đề tiếp cận vốn, đào tạo, tiếp cận KHCN… cũng được đại diện VCCI kiến nghị lãnh đạo Hà Nội quan tâm giải quyết. “VCCI sẽ luôn sát cánh cùng Hà Nội trong nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển” – ông Lộc cam kết.