Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Dồn sức lấy nước gieo cấy vụ Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày cuối của đợt 2 chống hạn vụ Xuân 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng 4 công ty thuỷ lợi tập trung các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước gieo cấy cho bà con nông dân.

Trạm bơm “oằn mình” chống hạn

Suốt nhiều ngày qua, trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh) không ngớt tiếng động cơ máy móc. Cán bộ, công nhân viên nơi đây túc trực 24/24 giờ, không quản ngày cuối tuần, dịp lễ hay Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, với nhiệm vụ theo dõi diễn biến mực nước sông Hồng để tổ chức vận hành hệ thống trạm bơm.

Ông Nguyễn Mạnh Nhất - Giám đốc Xí nghiệp cung cấp nước thô và tư vấn xây dựng (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội), cho biết việc vận hành lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023 chủ yếu dựa vào 25 tổ máy dã chiến. Nguyên nhân là 6 tổ máy ở trạm bơm chính không thể vận hành khi mực nước sông Hồng xuống thấp.

Vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo ông Nhất, việc lấy nước cho khoảng 6.000ha canh tác nông nghiệp thuộc huyện Đông Anh và một phần của hai huyện Sóc Sơn, Mê Linh nhiều năm qua phụ thuộc vào hệ thống trạm bơm dã chiến. 20/25 tổ máy dã chiến này hiện đã hết khấu hao nhưng chưa được thay thế, vẫn phải vận hành tối đa công suất trong điều kiện nguồn nước cho phép phục vụ chống hạn cho vụ Xuân 2023.

Tại huyện Hoài Đức, trong bối cảnh trạm bơm Đan Hoài không thể vận hành do mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp, trạm bơm dã chiến Bá Giang là công trình đóng vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ lấy nước cho diện tích hơn 4.100ha gieo cấy vụ Xuân 2023 thuộc hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức và quận Bắc Từ Liêm.

Mặc dù vậy, Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thuỷ lợi Đan Hoài (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) Nguyễn Hải Trường cho biết, trong những ngày lấy nước đợt 2 đã qua, trạm bơm dã chiến Bá Giang chỉ hoạt động được khoảng 60% tổng công suất. Nguyên nhân là do hệ thống máy bơm hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc vận hành, thời gian qua, dù mực nước sông Hồng tăng đáng kể nhờ được bổ sung nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện, tuy nhiên, nhiều công trình thuỷ lợi ven sông vẫn chưa thể vận hành lấy nước. Đơn cử như: Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây); trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì); trạm bơm Gia Thượng (huyện Gia Lâm); Cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ)… Điều này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu chống hạn vụ Xuân 2023 của Hà Nội.

Mực nước sông Hồng xuống thấp khiến việc vận hành nhiều trạm bơm tại Hà Nội gặp khó khăn.
Mực nước sông Hồng xuống thấp khiến việc vận hành nhiều trạm bơm tại Hà Nội gặp khó khăn.

Không để thiếu nước sản xuất

Biến đổi khí hậu, lòng dẫn sông bị thấp và việc nhiều trạm bơm chậm được tu sửa, nâng cấp ảnh hưởng lớn đến năng lực vận hành, lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023. Trong bối cảnh đó, 4 doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội đang phải theo dõi sát sao diễn biến mực nước trên từng hệ thống sông, quản lý và bảo đảm vận hành hiệu quả hàng trăm trạm bơm mỗi ngày.

Với sự chủ động, tích cực của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp thuỷ lợi, đến nay, đã có khoảng 65% diện tích sản xuất vụ Xuân 2023 của Hà Nội được cấp đủ nước. Trong đó, có 3 địa phương đã cơ bản lấy đủ nước phục vụ bà con nông dân gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà.

Mặc dù vậy, hiện nay khi đợt chống hạn thứ 2 sắp kết thúc, tỷ lệ lấy nước tại nhiều địa phương của Hà Nội còn đạt khá thấp, điển hình như tại các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ… Đây cũng là những địa bàn có tập quán canh tác khá muộn so với mặt bằng chung của TP trong vụ Xuân những năm gần đây.

Làm đất, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân 2023 tại huyện Sóc Sơn.
Làm đất, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân 2023 tại huyện Sóc Sơn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, đang trong đợt xả tăng cường của các hồ chứa thuỷ điện nên hiện nay mực nước hệ thống sông Hồng vẫn tương đối thuận lợi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thủy lợi cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến nguồn nước để quản lý, vận hành hiệu quả các trạm bơm phục vụ lấy nước, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng thấp…

Hiện nay đã kết thúc kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão. Do đó, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực xuống đồng, làm đất, lấy nước, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân 2023. Phấn đấu làm đất đến đâu, gieo cấy đến đó nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Để bảo đảm chủ động cấp đủ nước cho gieo cấy vụ Xuân 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP cho phép lắp đặt khẩn cấp trạm bơm dã chiến Trung Hà (huyện Ba Vì) để phục vụ công tác tưới dưỡng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT xem xét, bổ sung thêm một đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện nhằm hỗ trợ chống hạn cho Hà Nội và 10 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. 

 

“Trong những ngày tới, đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thuỷ lợi, các địa phương trên địa bàn Hà Nội quản lý, vận hành hiệu quả công trình thuỷ lợi để tập trung lấy nước, trữ nước. Rà soát chính xác những diện tích canh tác nông nghiệp cần cấp nước để có giải pháp bổ sung nguồn nước kịp thời cho bà con nông dân, tuyệt đối không để thiếu nước sản xuất vụ Xuân 2023…”

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền