Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp căn cơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, góp phần giải quyết nợ xấu, TP đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Những cơ chế, chính sách căn bản dựa trên nguyên tắc đưa cung về sát với cầu và tăng khả năng thanh toán cho những đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Tạm dừng xem xét các dự án nhà ở thương mại

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NƠXH), tái định cư, nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức được TP rất quan tâm, chỉ đạo sát sao.

TP đã yêu cầu các chủ đầu tư trên địa bàn đăng ký quỹ nhà tồn đọng. Đến nay, Sở Xây dựng tổng hợp được 5.789 căn hộ tồn đọng. Sau khi rà soát, TP chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 3 dự án nhà ở thương mại được chuyển sang xây dựng NƠXH.

Hiện có 6 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng NƠXH tại 7 địa điểm trên địa bàn TP. Đáng chú ý, theo đề xuất của Sở Xây dựng, từ nay đến 31/12/2014 (thời hạn hết hiệu lực của Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng), TP sẽ tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Hà Nội.
 
 
 
Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp căn cơ - Ảnh 1
 
Thị trường bất động sản Hà Nội cần nhiều giải pháp để đưa nhà ở đến với người có nhu cầu thật. Trong ảnh: Khu đô thị Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đức Giang
 

Trong thời gian tới, TP tập trung xem xét các dự án có nhu cầu chuyển sang NƠXH và thu nhập thấp phù hợp với quy hoạch. Mới đây, UBND TP đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và đại diện của Bộ Xây dựng. Tổ này có nhiệm vụ tổ chức rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP; đề xuất phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển NƠXH cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

Cùng với việc rà soát lượng hàng tồn kho của các dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng đã tổ chức rà soát các dự án có quỹ nhà 30%, 50% (do TP điều tiết về đối tượng mua nhà) để chuyển đổi sang nhà tái định cư, NƠXH, nhà công vụ...

Trong tổng số 24 dự án có quỹ nhà 30%, 50% có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ. Trong đó có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ. TP sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ của quỹ nhà này để phục vụ quỹ nhà ở tái định cư và 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức TP.

Công chức, viên chức có cơ hội mua nhà xã hội

Song song với việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi công năng các dự án, theo đề xuất của Sở Tài chính, các giải pháp tài chính cho cả người mua và người bán cần được ban hành để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của các giải pháp.

Thực hiện Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND TP, trong đó xác định giá bán nhà tái định cư sát với giá thị trường. Do đó, Sở Tài chính đề nghị TP giao các sở, ngành rà soát toàn bộ các quỹ nhà thương mại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng để giới thiệu quỹ nhà thương mại cho các hộ dân phải di chuyển, giải phóng mặt bằng, có thể mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư.

Theo đánh giá của Sở Tài chính, biện pháp này sẽ có tác động trực tiếp, kết nối được lượng cung đang tồn kho với đối tượng có nhu cầu mua nhà thực sự.

Để kích thích nhu cầu, giúp cho người có nhu cầu thực sự có điều kiện để mua được nhà ở, Sở Tài chính còn đề nghị TP xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà thuộc quỹ nhà thương mại chuyển đổi theo Thông tư 02/2013/TT-BXD. Đối tượng nên được mở rộng là các cán bộ, công chức, viên chức của TP có nhu cầu và khó khăn về nhà ở.

Với các đối tượng này, TP xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế cho phép mua nhà trả chậm từ các quỹ nhà thương mại chuyển đổi.

Cùng với các giải pháp nhằm giải quyết hàng tồn kho trên thị trường bất động sản, TP Hà Nội cũng khuyến khích các doanh nghiệp  đầu tư kinh doanh bất động sản chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang NƠXH; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.