Hà Nội duy trì 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội của TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, trong đó đặt ra mục tiêu 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội.

Theo Kế hoạch số 141, đến năm 2025, TP Hà Nội có ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Trong đó, có từ 1 đến 2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định.
Có ít nhất 50% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ xã hội, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành LĐTB&XH, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức tặng quà cho em Phạm Thị Minh Ngọc ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức vượt khó học tốt.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu đạt tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công tác xã hội; 85% - 90% người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội.
100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp.
Từ năm 2026 đến năm 2030, TP Hà Nội có 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Trong đó, có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định.
Cũng đến năm 2030, TP đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công tác xã hội; 90% - 95% người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca.
 Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng với lãnh đạo huyện Mỹ Đức tặng quà cho em Nguyễn Quang Minh, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức vượt khó học tốt.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành LĐTB&XH và các ngành có liên quan.
TP duy trì 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ và 7 giải pháp quan trọng với sự tham gia của 12 sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã, Ủy ban MTTQ TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, trình UBND TP ban hành cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực LĐTB&XH.
Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan, các ngành, đoàn thể thực hiện bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tác các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội...
Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội tại các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xã hội trong các trường học. Đồng thời, triển khai mô hình công tác xã hội trong trường học để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại và bạo lực; hỗ trợ nâng cao năng lực giải quyết vấn đề và hoàn thành chương trình học tại trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần