Hà Nội: Gần 18.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với năm ngoái

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 29/9 đến 6/10), Hà Nội có thêm 2.593 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).

Trong đó, Phú Xuyên ghi nhận 231 ca, Hoàng Mai (162 ca), Đống Đa (150 ca), Hà Đông (149 ca), Thanh Oai (134 ca)…

Theo đó, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 105 ổ dịch tại 23 quận, huyện, thị xã; trong đó, quận Hà Đông nhiều nhất với 11 ổ dịch, Đống Đa có 10 ổ dịch, Quốc Oai có 8 ổ dịch…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại ngõ 23, phố Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại ngõ 23, phố Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Tính từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 1.143 ổ dịch. Hiện còn 264 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài như xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 506 bệnh nhân

CDC Hà Nội nhận định, Hà Nội đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Đây cũng là điều đáng báo động khi người dân còn có tâm lý chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp. Tính đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong, đa số là do đến muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng.

Do đó, các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà, cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày.

Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.
Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

“Người dân không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid, đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch” - PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Trong trường hợp truyền dịch không có hiệu quả, phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch. Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh.

Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nhiều người chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.