Tại buổi họp báo chiều nay (4/7) do HĐND TP tổ chức cung cấp thông tin về Kỳ họp thứ chín HĐND TP khóa XV, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến công tác quản lý đô thị.
Trong đó, về thời gian tuyến đường sắt Cát Linh được đưa vào vận hành, ông Quân cho biết: Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự kiến 1/6/2019 đưa vào vận hành, nhưng vì nhiều lý do, thời gian này bị hoãn lại. Đến nay theo báo cáo của Sở GTVT, TP chưa nhận được thông tin chính thức từ Bộ về thời gian tuyến được vận hành. 98% khối lượng công việc đã được hoàn thành. Chắc chắn khi hạ tầng đường sắt được đồng bộ, Bộ sẽ đưa tuyến vào vận hành theo kế hoạch.
Đặc biệt, trả lời về vấn đề đầu tư công nghệ xử lý rác thải và vai trò giám sát của HĐND TP liên quan đến xử lý rác tại Hà Nội, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP khẳng định: Giám sát về môi trường trong đó có rác thải là một nhiệm vụ được TP rất quan tâm chỉ đạo; HĐND TP thường xuyên tổ chức giám sát.
Gần đây nhất, Ban Đô thị HĐND TP theo chỉ đạo của Thường trực HDNĐ TP đã giám sát việc chấp hành pháp luật về xử lý chất thải rắn trên địa bàn, tập trung vào vệ sinh môi trường, thu gom xử lý, đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác… Theo chỉ đạo của TP, từ tháng 4/2019, mọi rác thải ở nông thôn đến đô thị đều phải được tổ chức vệ sinh, thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 100%. Từ đó, các đơn vị thực hiện đấu thầu VSMT cũng như các quận, huyện, thị xã đang xây dựng đề án tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, “TP chủ yếu thực hiện chôn lấp rác thải (trên 80%), còn xử lý đốt chỉ chiếm trên 10%. Lý do là dù trước đây TP đã quy hoạch (QH) rất nhiều nhà máy thực hiện công nghệ đốt rác, nhưng việc xử lý công nghệ này chưa đạt kết quả mong muốn. Theo chủ trương, TP tiếp tục đầu tư các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực này, đến nay đã phê duyệt 4 dự án để tổ chức thực hiện các công nghệ đốt phát điện. Trong đó, 2 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đã khởi công xây dựng, dự kiến năm 2021 hoàn thành, với tổng công suất đốt 5.500 tấn rác/ngày-đêm, cơ bản đáp ứng xử lý khối lượng rác thải của TP. Với các dự án triển khai sau năm 2021, TP cũng hướng đến xử lý rác bằng các công nghệ tiên tiến”, ông Quân khẳng định.
Bên cạnh đó, về di dời trụ sở các cơ quan T.Ư trên địa bàn TP và QH, bố trí sử dụng đất, ông Quân cho biết: Quyết định 130 của Thủ tướng ban hành năm 2010 đã khẳng định Bộ Xây dựng phải phối hợp với các bộ ngành và UBND TP xây dựng QH để di chuyển các trụ sở này ra khỏi địa bàn TP; trên cơ sở đó, ưu tiên một phần đất để bố trí xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng. “Thủ tướng đã nhắc nhở; Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với UBND TP sơ bộ lập QH, tới đây sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chắc chắn khi các cơ quan di dời đi, Hà Nội sẽ chấp hành nghiêm việc bố trí quỹ đất theo quy định”, ông Quân nói.
Cũng tại đây, trả lời câu hỏi về bãi rác Nam Sơn tái đền bù 1,9 triệu đồng theo phản ánh của người dân là thấp, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho hay: TP đã giao Sở TN&MT, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đối thoại. Khi xây dựng các phương án đền bù, TP luôn căn cứ các quy định hiện hành của TP và T.Ư, cố gắng vận dụng mức tối đa.
“Chúng tôi được biết, với mức tái đền bù này, TP đã vận dụng đến mức tối đa các quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân địa phương. Song, người dân có nguyện vọng cao hơn, TP đang tổ chức đối thoại; các cơ quan báo chí cần giúp TP tuyên truyền để người dân hiểu”, ông Quân nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Quân cho biết: Trước tình trạng người dân vẫn tái lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, nhất là khu vực ngõ nhỏ, nhà hàng, trung tâm thương mại..., TP tiếp tục thường xuyên ra quân xử lý, phát động những đợt cao điểm; Ban Đô thị HĐND TP đã 2 lần giám sát.
Trong kế hoạch năm 2019, HĐND TP sẽ đưa vào chương trình tái giám sát; có văn bản đôn đốc các quận, huyện với những trường hợp cụ thể. Về xử lý vi phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP đã có kết luận.
Liên quan đến xử lý các vi phạm trật tự xây dựng tại huyện, TP đã chỉ đạo, UBND huyện đã thực hiện phá dỡ các công trình vi phạm xây dựng mới, từ đó nhiều công trình được phá dỡ triệt để; song còn một số công trình đang tiếp tục được xem xét phá dỡ. Tại Phiên giải trình vừa rồi của Thường trực HĐND TP đã đưa nội dung này vào; yêu cầu UBND TP có biện pháp hữu hiệu để thực hiện kết luận thanh tra. UBND TP đang chỉ đạo các sở ngành tiếp tục xem xét giải quyết.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam: Tại Kỳ họp này, liên quan đến công tác nhân sự, với trường hợp Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú vi phạm kỷ luật đến mức độ Thành ủy đã ra thông báo và xử lý cách hết các chức vụ trong Đảng; trên cơ sở thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy, với trách nhiệm của mình, Thường trực HĐND TP sẽ trình HĐND TP xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của đồng chí. |