Theo Kế hoạch, Nhà nước sẽ tạo điều kiện về môi trường pháp lý và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho DNVVN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh trạnh lành mạnh; Phát triển DNVVN gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường… Ưu tiên phát triển DNVVN trong các lĩnh vực, ngành nghề sản phẩm có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao, phát huy tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hỗ trợ DNVVN đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận , tham gia vào nền kinh tế thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tạo thuận lợi, bình đẳng, ổn định cho DNVVN thực hiện các hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn.
Xưởng sản xuất dệt may của Tập đoàn Phú Mỹ (Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ). Ảnh: Khắc Kiên
|
Đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển DNVVN trên địa bàn. Cụ thể, dự kiến số DNVVN thành lập mới tăng 9-10%/năm (khoảng 17.000 – 18.000 DN/năm); DNVVN tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm mới; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNVVN chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP; DNVVN đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 30% mỗi năm; Đến cuối năm 2020 có khoảng 700 DNVVN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; Đáp ứng cơ bản về mặt bằng sản xuất cho các DNVVN.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN phát triển, nhất là DNVVN. Rõ ràng, việc ban hành Kế hoạch này cho thấy, việc phát triển DNVVN là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong chương trình hành động của TP, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của Hà Nội.
Hy vọng, trong bối cảnh năm 2016 năm bản lề của tiến trình hội nhập sâu rộng, các DNVVN sẽ hoạt động trong môi trường kinh doanh thuận lợi và đủ sức cạnh tranh.