CCHC là một điểm sáng của Thành phố
Trưởng Phòng CCHC - Sở Nội vụ Hà Nội Phạm Tuấn Anh cho hay: Tính đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 08-Ctr/TU cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch, hoàn thành 11/15 chỉ tiêu, như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) (đạt trên 80%); mức độ hài lòng của người dân - DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC (đạt trên 80%); tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) (đạt 25,4%). Còn lại, 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020. TP cũng đã hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.
“Trong giai đoạn 2016-2020, CCHC thực sự là một điểm sáng trong 3 khâu đột phá của TP, được T.Ư, Nhân dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ rệt; tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” và “một đầu mối, một việc xuyên suốt”. Qua đó, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở; sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội và Nhân dân. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành của TP và trong phục vụ Nhân dân, DN mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác CCHC của TP” - ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Sở Nội vụ, nhờ đẩy mạnh siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính đã góp phần giúp giảm số trường hợp CBCC vi phạm qua các năm được phát hiện từ các cuộc kiểm tra công vụ của Đoàn kiểm tra công vụ TP. Cụ thể, năm 2017, đoàn phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 phát hiện 5 trường hợp thì đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hơp; năm 2019 phát hiện 10 trường hợp vi phạm thì cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý cụ thể. Sở Nội vụ cũng đã đề xuất Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU tiếp tục coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của TP, trên cơ sở xác định công tác CCHC phải được làm thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm thì mới mang lại kết quả cao.
Lý giải hiện nay còn một số DVCTT có tỷ lệ người dân tham gia chưa cao, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, người dân có thể lựa chọn giải quyết TTHC thông qua DVCTT hoặc trực tiếp đến bộ phận một cửa. Có những DVCTT có tỷ lệ người dân tham gia chưa cao một phần do người dân chưa quen, một phần do đối tượng giao dịch của DVC đó chủ yếu là người có tuổi nên không thành thạo về CNTT. “Đến thời điểm này, hệ thống DVC của TP vẫn hoạt động ổn định. Để tăng tỷ lệ người dân tham gia DVCTT, TP xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của DVCTT là trực tiếp phục vụ người dân, DN”- Trưởng Phòng CCHC khẳng định. Bên cạnh đó, trước câu hỏi liên quan đến Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI 2018) của Hà Nội còn thấp, ông Phạm Tuấn Anh cho hay: Khi phân tích ra cho thấy chỉ số này gắn chủ yếu với hoạt động của chính quyền cơ sở, vì trong thành phần có tới 75% các nội dung liên quan trực tiếp đến chính quyền cấp xã, 20% liên quan chính quyền cấp huyện và chỉ 5% liên quan đến trách nhiệm các sở ngành. Vì vậy, Sở Nội vụ đã tham mưu TP thời gian tới tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho tốt…
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc tuyển dụng viên chức giáo viên
Đáng chú ý, về vấn đề sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của TP trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn khẳng định: TP Hà Nội đã có kinh nghiệm từ quá trình hợp nhất địa giới hành chính TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây trước đây, với hai bộ máy hành chính sự nghiệp của 2 tỉnh, TP rất lớn nhưng việc sắp xếp bộ máy, các vị trí theo đúng vị trí việc làm… mà vừa qua tổng kết 10 năm cho thấy đã thành công. Hiện nay, TP thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong điều kiện quán triệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 của BCH T.Ư khóa 12 và được các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận tuyên truyền rất quyết liệt. Vì vậy, đội ngũ CBCCVC của TP sau khi được phổ biến tuyên truyền, động viên, được quán triệt đã nhận thức được vấn đề, giúp quá trình sắp xếp của TP cơ bản tốt, ổn định tốt, đội ngũ không có tâm tư nổi cộm lớn. Cũng nhờ công tác tư tưởng tốt, chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, trong thời gian qua, TP không có đơn thư, phản ánh, khiếu nại về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy. Hơn 4 năm qua, TP đã thực hiện tinh giản biên chế được hơn 1.000 người ở các vị trí lãnh đạo, chuyên viên…
Về tuyển dụng viên chức giáo viên, ông Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Tuyển dụng viên chức có 3 hình thức: Thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận vào viên chức không qua thi (đặc cách). Trước đây theo quy định của Nghị định 161 năm 2018, chỉ có thể áp dụng 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển; TP đã triển khai 2 hình thức đó trong tháng 10 và 11/2019. Nhưng ngày 5/11/2019 vừa qua, Bộ Nội vụ có văn bản 5378 cho phép tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên với những tiêu chuẩn cụ thể theo hướng dẫn của Bộ. Cùng thời gian đó, TP đang tổ chức đợt thi tuyển và xét tuyển giáo viên. Vì vậy, ngày 15/11, UBND TP đã có văn bản giao Sở Nội vụ phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các quận, huyện triển khai nghiêm túc hướng dẫn này của Bộ. Sáng nay (10/12), Sở đã mời 30 trưởng phòng giáo dục, 30 trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đến quán triệt, triển khai các bước công việc, rà soát chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng của năm học 2019-2020, cơ cấu, danh sách giáo viên hợp đồng từ 31/12/2015 trở về trước có đủ tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ tại văn bản 5378… Trên cơ sở đó, sẽ cùng các cơ quan liên quan xây dựng phương án tuyển dụng, báo cáo xin ý kiến của Bộ Nội vụ và báo cáo UBND TP thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở, đợt vừa qua là TP tuyển dụng chỉ tiêu giáo viên của năm học 2018-2019; ngày 3-7/2019 HĐND TP vừa tổ chức Kỳ họp thứ 11 đã thông qua chỉ tiêu biên chế của năm học 2019-2020; ngày 11/12 TP sẽ tổ chức giao chỉ tiêu KT-XH trong đó có chỉ tiêu biên chế.