Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hoàn thiện hạ tầng giao thông: Tiền đề phát triển các đô thị vệ tinh

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà nhận định, thời gian tới, TP cần tập trung hơn nữa vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT): Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Bởi đây là tiền đề rất quan trọng, cần đi trước để tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội tại các ĐTVT.

Đại lộ Thăng Long - tuyến đường giao thông nối trung tâm TP Hà Nội với các đô thị vệ tinh. Ảnh: Việt Linh
Mở đường cho cơ hội đến
Nhiều năm qua, Hà Nội đã có sự quan tâm đúng mức, đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống đường giao thông, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của toàn TP nói chung, khu vực nông thôn, ngoại thành nói riêng. Đặc biệt từ sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP là phát triển 5 ĐTVT: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Chính quyền TP đã xác định rất rõ, phát triển giao thông ngoại thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tác động trực tiếp đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh đó, 5 ĐTVT còn là hạt nhân thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành. Mỗi ĐTVT lại có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm. Những năm qua, ngân sách của TP đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó ưu tiên bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 35% tổng kinh phí). Hàng loạt chương trình ưu tiên cho giao thông ngoại thành đã và đang được triển khai như hỗ trợ kinh phí từ ngân sách ưu tiên đầu tư một số tuyến giao thông trên địa bàn các huyện, thị xã, tạo tiền đề nâng cao tiềm lực của địa phương. Nhờ đó, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư từ TP, các huyện, thị xã còn có thêm lợi thế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông nông thôn, cũng như huy động nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để tái đầu tư cho giao thông, xây dựng nông thôn mới.

Linh hoạt, chủ động về cơ chế, chính sách

Ông Vũ Hà phân tích, có được những thành tích trong phát triển cơ sở hạ tầng GTVT thời gian qua là nhờ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện và phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, những thành quả đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Ông Vũ Hà cho hay: “Đối với 5 ĐTVT đã được xác định là 5 trung tâm phát triển của Thủ đô trong tương lai, cần nhanh chóng hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Mà muốn nhanh, cần phải hết sức linh hoạt trong cơ chế cũng như huy động nguồn vốn đầu tư”. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của TP về phân công, phân cấp quản lý, cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó đặc biệt nên chú trọng tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý để chủ động đầu tư nhằm giảm tải áp lực cho ngân sách TP.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ giao thông Phan Trường Thành cho rằng, ngân sách TP nên tập trung đầu tư cho các tuyến đường trục chính, kết nối nhiều địa phương và Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị...; Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các địa phương còn khó khăn; Bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, TP cần chú trọng từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách, xe tải liên tỉnh khu vực Vành đai 4. Bởi đây là những đầu mối giao thông quan trọng kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 ĐTVT cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với đầu tư cho đường bộ, Hà Nội cần có cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư cho các tuyến ĐSĐT, đặc biệt với các tuyến kết nối với ĐTVT như số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; thúc đẩy, phối hợp với Bộ GTVT triển khai tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi… Cả 3 tuyến ĐSĐT này đều là mục tiêu triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ huy động nguồn vốn là vô cùng nặng nề, khó khăn.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà chia sẻ, một Thủ đô văn minh, hiện đại, trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh. Kết nối thuận lợi, hiệu quả và toàn diện từ nông thôn, ngoại thành đến đô thị trung tâm, cũng như với các tỉnh, thành khác. “Tôi tin tưởng rằng, những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Đảng bộ TP Khóa XVII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn, mang đến sức bật mới, mạnh mẽ cho phát triển hệ thống GTVT Thủ đô nói chung và với 5 ĐTVT nói riêng” - ông Vũ Hà khẳng định.
Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do T.Ư xây dựng với đường địa phương. Trong đó có các công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với 5 ĐTVT, những tỉnh thuộc Vùng Thủ đô như QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B; trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; Vành đai 3,5, 4, 5; hệ thống cầu vượt sông: Tứ Liên; Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi…