Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hơn 400 lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở VH&TT Hà Nội, TP hiện có 1.661 lễ hội. Trong đó, 1.051 lễ hội được thông báo tổ chức trong năm 2024. Đến ngày 29/2, 405 lễ hội tại Hà Nội được diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm,  đảm ANTT và thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Thông tin trên được nêu tại Hội nghị Giao ban trực tuyến đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ đầu năm đến hết tháng 2/2024.

Quang cảnh Hội nghị Giao ban trực tuyến đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại điểm cầu Sở VH&TT Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị Giao ban trực tuyến đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại điểm cầu Sở VH&TT Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết: Đến nay, các lễ hội trên địa bàn TP diễn ra đảm bảo an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Đặc biệt, năm 2024, công tác tổ chức lễ hội có nhiều nét mới. Tại Lễ hội chùa Hương năm 2024 đã áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé; Việc tiếp tục đổi mới bỏ bán vé tại 2 vị trí cổng, đưa vào bán vé tại các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, giảm bớt nhân lực của Ban Tổ chức trong công tác điều phối tại các điểm cổng.

Tại quận Ba Đình, ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống diễn ra trong lễ hội, năm 2024, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội thi bày mâm Lễ đẹp trong khuôn khổ Lễ hội truyền thống “Tế khai sắc – Rước khai Xuân” và Lễ hội ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế (đền Núi Sưa) năm Giáp Thìn 2024 tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân khi tham gia Lễ hội.

Các quận, huyện, thị xã đã thực hiện số hoá, lắp đặt bảng có mã QR Code tuyên truyền giới thiệu về di tích, lễ hội, các nhân vật được thờ phụng, được thực hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, ngay từ đầu năm, quận đã xây dựng và ban hành các kế hoạch tổng thể về việc tổ chức các lễ hội cấp quận cũng như công tác chỉ đạo việc phát huy giá trị các di tích, các lễ hội trên địa bàn 14 phường. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, với từng lễ hội cũng đã ban hành các kế hoạch riêng, có sự phân công cụ thể trong tổ chức triển khai. Các lễ hội đều được tiết kiệm, đảm bảo các nghi lễ truyền thống, tạo sự hồ hởi phấn khởi cho người dân. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn quận đã tổ chức 16 lễ hội với 4 lễ hội quy mô cấp quận, 12 lễ hội cấp phường.

Bên cạnh kết quả đạt được, Sở VH&TT Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như, việc tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa được Ban tổ chức chú trọng, một số lễ hội các bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công suất lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và sự tôn nghiêm của di tích.

Đơn cử, tại Sóc Sơn vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, mặc trang phục chưa phù hợp. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người thực hiện văn minh lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho hay.

Từ nay đến hết năm, tại Hà Nội còn diễn ra hàng trăm lễ hội, vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Sở VH&TT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động thu chi nguồn công đức tại di tích, lễ hội; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử khi tham gia lễ hội.