Ngay tại cuộc họp triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP cuối tuần qua (sáng 21/1), vấn đề giảm trục lợi lễ hội, khắc phục những hoạt động kinh doanh trái quy định… cũng được dành mối quan tâm đặc biệt.
Chưa hết bất cập
Hà Nội nắm giữ gần 2.000 lễ hội, trong đó phải kể đến các lễ hội có quy mô vùng như: Hội Gò Đống Đa, Hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, Hội đền Hai Bà Trưng, Hội Chùa Thầy, Hội Chùa Tây Phương, Hội đền Đức Thánh Tản. Dù đã nỗ lực để giải tỏa những “điểm nóng” lễ hội cùng những hiện tượng "chướng tai gai mắt", song phải thừa nhận lễ hội Hà Nội vẫn chưa hết tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch, tranh cướp lộc trong lễ rước cùng vấn đề VSMT và ATTP.
Những năm trở lại đây, TP đã tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Sở VH&TT đã phối hợp với địa phương cùng các Ban quản lý di tích lập Ban chỉ đạo, ra quân kiểm tra các bến bãi gửi xe, các hộ kinh doanh tại lễ hội, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình là trong năm 2016, tại Lễ hội Chùa Hương, đoàn kiểm tra liên ngành đã theo dõi và xử phạt, tổ chức ký cam kết không tái phạm đối với hàng loạt trường hợp chèo kéo, bắt chẹt khách, các cá nhân làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Hoặc tại Lễ hội đền Sóc năm 2016 đã không còn tình trạng tranh cướp lộc hoa tre như năm 2015 nhưng hiểm họa bạo lực lễ hội ở đây vẫn chưa dám khẳng định đã được ngăn chặn. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh giá: “Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại trong mùa lễ hội 2017 cần được khắc phục kịp thời”.
Nhìn nhận tình hình quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay tại các địa phương, ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH&TT cho biết: “Thông thường mỗi địa phương trên địa bàn TP sẽ có khoảng từ 40 - 50 lễ hội. Thời gian qua, mặc dù mặt bằng triển khai lễ hội như đường đi, vỉa hè, lán trú mưa đề phòng thời tiết mùa Xuân mưa rét tại các di tích, đền chùa về cơ bản đã được triển khai, nhưng vẫn còn một số điểm, đơn cử như Khu di tích Chùa Hương chưa hoàn thiện được cơ sở hạ tầng do mặt bằng khó khăn. Tình trạng đó được xem là một vấn đề trọng tâm cần được hoàn thành sớm”.
Nỗ lực cho một mùa lễ hội “sạch”
Trên tinh thần tiến đến làm cho lễ hội trên địa bàn của Thủ đô “sạch” trên cả 4 vấn đề: VSMT, an ninh trật tự, ATTP, an toàn phòng cháy chữa cháy, thời điểm hiện tại, dù các đền, chùa, di tích chưa đến ngày khai hội, thế nhưng công tác chuẩn bị của các địa phương đã có kế hoạch cụ thể cho mùa lễ hội 2017.
Nắm giữ một trong những lễ hội trọng điểm của cả nước, ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: “Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương đã tổ chức 5 cuộc tập huấn cho người dân, các nhà đò, bố trí 4 điểm đỗ xe niêm yết đầy đủ giá, thực hiện ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP với 318 ki ốt bán hàng....”. Tại các địa bàn có lễ hội lớn khác như quận Đống Đa, Tây Hồ, huyện Sóc Sơn, Đông Anh, ngoài tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người dân bản địa, tiến hành ký cam kết và cấp chứng chỉ về vệ sinh ATTP cho các cơ sở đủ điều kiện, lập sơ đồ vị trí, kẻ vạch sơn ở vỉa hè đề phòng sự lấn chiếm của các hộ kinh doanh…
Nhằm hướng đến mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho rằng, sự phân công rõ ràng nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị là không thể thiếu. Theo ông Động, một lễ hội tốt là một lễ hội có sự vào cuộc đồng bộ từ Sở VH&TT, Sở TN&MT, Sở Y tế đến Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu: “Các đơn vị tổ chức lễ hội có chương trình chi tiết, chú trọng phân công rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và người chịu trách nhiệm. Trong đó, các Phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội phải quyết liệt hơn nữa, nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm trước UBND địa phương và TP về tất cả các hoạt động có trong lễ hội”.
Cuối tuần qua, ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh dự kiến được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 10/2) kết hợp với phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Đinh Dậu 2017. (Thiên Tú) |