Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: khai thác chuỗi giá trị từ cây hoa sen

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện đã phát triển được nhiều đặc sản tinh tuý từ hoa sen. Mặc dù vậy, tiềm năng kinh tế từ loại cây trồng đặc biệt này vẫn còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực du lịch, đòi hỏi cần được chú trọng, có thêm giải pháp để phát huy giá trị hơn nữa.

Lụa tơ sen là một trong những sản phẩm độc đáo nhất từ sen của nghệ nhân Hà Nội.
Lụa tơ sen là một trong những sản phẩm độc đáo nhất từ sen của nghệ nhân Hà Nội.

Tinh tuý từ hoa sen

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 600ha trồng cây hoa sen, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Ứng Hoà, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…

Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây (quận Tây Hồ), bông to với khoảng 100 cánh, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác, được xếp vào nhóm nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển của cả nước.

Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người dân Hà thành. Trong số này, có 18 sản phẩm từ cây hoa sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen đang mang lại giá trị kinh tế cao như: sen trà Hiền Xiêm và chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...

Việc phát triển cây hoa sen giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho các địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Mặc dù vậy, việc khai thác giá trị kinh tế từ sen được đánh giá là chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, nhất là trên khía cạnh du lịch.

Du khách trải nghiệm vườn sen tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội).
Du khách trải nghiệm vườn sen tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội).

Tiềm năng lớn phát triển du lịch

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, nhiều tỉnh, TP của cả nước hiện đang xây dựng sản phẩm du lịch từ hoa rất hiệu quả. Đơn cử như TP Hải Phòng có lễ hội Hoa phượng đỏ; tỉnh Hà Giang có lễ hội Hoa tam giác mạch; tỉnh Gia Lai có lễ hội Hoa dã quỳ…

“Hà Nội có diện tích trồng sen lớn, nhiều sản phẩm OCOP từ cây hoa sen nên hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm du lịch về sen hiệu quả. Trong đó, một số địa phương có thể trở thành điểm du lịch đặc trưng của Hà Nội, điển hình như quận Tây Hồ…” - bà Đặng Hương Giang nhận định. 

 

Ngày 13/7, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ như: di tích lịch sử đền Đồng Cổ (phường Bưởi), chùa Kim Liên (phường Quảng An), đình Nhật Tân và khu du lịch Nhật Tân... Hoạt động có sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành, góp phần tăng cường liên kết điểm đến, tạo thành tour, tuyến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến với Hà Nội.

Đồng quan điểm về lợi thế của quận Tây Hồ, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo cho rằng Tây Hồ có thể xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với Lễ hội Sen Hà Nội để tạo thành sản phẩm mang thương hiệu riêng cho mình cũng như thương hiệu du lịch Thủ đô.

Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm du lịch mang đậm tinh hoa sen Hà Nội, quận Tây Hồ cần chú trọng phát triển thêm những hoạt động, sản phẩm văn hóa, ẩm thực liên quan đến sen. Chẳng hạn như giới thiệu tinh hoa trà ướp sen; khuyến khích các cơ sở ẩm thực, nhà hàng sáng tạo thêm những món ăn về sen…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, để bảo tồn và phát huy giá trị từ cây hoa sen, Sở đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội.

“Cũng nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên hiện nay TP đã có nhiều giống sen mới, giúp mùa sen ở Hà Nội kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, góp phần gia tăng trải nghiệm và thu hút thêm nhiều du khách đến với Hà Nội thưởng lãm sen…” - ông Nguyễn Đình Hoa nói thêm.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.

 

“Những năm qua, do quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng sen trên địa bàn quận bị thu hẹp. Để bảo tồn và phát triển giống sen quý, quận đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen bách diệp tại 18 hồ trên địa bàn. Cùng với đó, quận tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận…” - Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng.