Kinhtedothi - Nhà địa lý người Đức, Michael Waiber có 20 năm gắn bó với Hà Nội, trải qua 70 lần đến và chia tay TP này. Tình yêu với Hà Nội được ông gửi gắm qua cuốn sách ảnh Capital City - cuốn sách không chỉ được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2015, mà còn nói lên được rất nhiều xúc cảm của Michael Waiber về Thủ đô của Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là năm 1996. Theo cảm nhận của riêng mình, lúc đó tôi thấy đây là một TP nghèo. Thế nhưng, nơi đây không bị những xáo trộn của những tòa nhà trọc trời nơi đô thị hiện đại. Tôi chợt nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất ngàn năm văn hiến bằng những công trình văn hóa tiêu biểu như: Tháp rùa Hồ Gươm, chùa Một Cột, khu lăng Bác Hồ, các công trình quanh Phủ Chủ tịch. Và đặc biệt là Hà Nội có hàng chục biệt thự đẹp, do thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên xây dựng theo phong cách Art Deco những năm 1920 và 1930.
Hà Nội của 10 năm sau ngày tôi đến lần đầu đã tấp nập hơn, phát triển như vũ bão, không còn cách xa so với nhiều TP khác trong khu vực; nhưng cũng vì thế mà ngày càng nhiều những biệt thự đẹp bị phá hủy và được thay thế bằng các tòa nhà mang mục đích thương mại. Ngoài ra, các di sản kiến trúc không chỉ phải hứng chịu sự tàn phá mà cũng không được chủ nhân của chúng để ý nhiều. Trách nhiệm của việc bảo tồn những di sản văn hóa này không chỉ là công việc của chính quyền mà còn là nhiệm vụ của những người dân. Chính vì vậy, tôi đã nảy ra ý định lưu giữ hình ảnh của Hà Nội qua hàng chục năm thông qua hình ảnh. Cuốn sách Hà Nội Capital City là thành quả ghi dấu của tôi. Một bức ảnh giá trị hơn cả ngàn lời nói. Chính vì vậy, từng bức ảnh trong cuốn sách cũng nêu ra một thực trạng rằng những nỗ lực thực chất là rất cần thiết trong việc bảo tồn vẻ đẹp đó. Những nỗ lực đó không chỉ cần đến từ chính quyền mà còn phải từ bản thân những cư dân TP nữa.
Theo tôi, Hà Nội không nên phát triển theo hướng như các TP hiện đại khác ở châu Á, với những tòa nhà chọc trời hay kết cấu của thành thị hiện đại… Hà Nội không nên trở thành một Singapore hay một Seoul thứ hai. Hà Nội nên bảo tồn những giá trị đặc sắc của mình, nền văn hóa với những di sản, xây dựng TP dựa trên những tài sản đó, một sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, những cấu trúc nhà nhỏ trong lòng TP, những con đường với nhiều cột đèn và rất nhiều hồ. TP có tiềm năng để trở thành một trung tâm giáo dục và nghệ thuật lớn trong khu vực.
Ví dụ những khoảng không gian sáng tạo xuất hiện trên những khu vực từng là nhà máy có thể được quảng bá theo hướng tích cực và được phát triển trở thành một tổ hợp của các phòng tranh, phòng thu nghệ thuật, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các phòng thiết kế cũng như các quán bar, nhà hàng, quán cà phê. Những khoảng không gian sáng tạo như vậy có thể truyền cảm hứng cho những người xung quanh, cả người dân bản địa lẫn khách du lịch. Những nơi đó cũng có thể giúp tạo ra một biểu tượng cho TP… Theo hướng đó, những khoảng không gian sáng tạo nên được hiểu là một phần quan trọng trong sự phát triển văn hóa của Hà Nội.
Theo quan điểm của tôi, chắc chắn Hà Nội là thủ đô đẹp nhất châu Á, và luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim nhiều du khách. Tôi luôn mong muốn TP này không bị sự náo nhiệt của cuộc sống đô thị phá tan mà luôn bảo tồn được vẻ đẹp riêng trong tầm vóc của TP hàng nghìn năm tuổi.