Hà Nội: Khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Góp ý về vấn đề giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay, nhiều cử tri cho rằng cần có cơ chế khuyến khích DN sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo, tiếp nhận và sử dụng lao động qua đào tạo.

Chiều 26/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)”.
Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai.
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Chưa gắn học hành với việc làm
Hiện nay, hướng nghiệp và phân luồng trong học sinh của TP Hà Nội vẫn còn những hạn chế, đạt chỉ tiêu không cao, chỉ đạt 7-8%, trong khi mục tiêu chung là 30%. Khó khăn do xu hướng nhận thức của phụ huynh học sinh và trong xã hội vẫn cứ muốn học càng cao càng tốt, chưa gắn học hành với việc ra trường có việc làm hay không.
Bên cạnh đó, chính sách còn hạn chế, cụ thể là học sinh trung học cơ sở nếu vào học trung cấp nghề và học văn hóa thì học phí chỉ được hưởng phần học nghề. Sau khi học trung cấp nghề rồi và sau đó học liên thông lên thì học phí không được miễn giảm. Hiện nay trong các trường phổ thông giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp rất hạn chế, chưa được đào tạo.
 Ngoài ra, việc liên quan đến vấn đề tuyên truyền, việc xây dựng danh mục các nghề nghiệp, thời gian học tập, sau khi học xong có việc làm hay không thì việc tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh học sinh chưa được nhiều.
Hiện TP đã ban hành kế hoạch, trong đó nêu rõ mục tiêu, giải pháp cần thực hiện và phân công cụ thể các sở, ngành, quận, huyện, để phấn đấu đạt 30% về định hướng và phân luồng học sinh như T.Ư chỉ đạo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến về các vấn đề định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục đang được quan tâm. Nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về giáo dục hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh cũng như đổi mới công tác giáo dục trong mỗi nhà trường để tạo nội lực ngay từ bên trong, trong đó, phải định hướng nghề nghiệp theo trình độ, năng lực của học sinh.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích DN sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo, tiếp nhận và sử dụng lao động qua đào tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện chính sách phân luồng thông qua miễn giảm học phí cho học sinh đi học nghề. Tái cơ cấu hệ thống giáo dục để tạo điều kiện phân luồng và học tập suốt đời của người dân…
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông là điều mà TP đang quyết tâm thực hiện. Qua các ý kiến kiến nghị của cử tri, TP tiếp thu và đề nghị Sở Lao động TB-XH chỉ đạo, hướng dẫn các trường xây dựng nội dung chương trình các ngành nghề cụ thể; đồng thời, định hướng tuyển sinh phù hợp với tình hình phát triển chung của TP. Đối với Sở GD-ĐT, lãnh đạo TP đề nghị xây dựng kế hoạch đặc thù của Hà Nội.
Ngoài việc hỗ trợ học sinh học nghề, cần xây dựng chính sách hỗ trợ liên thông; bổ sung giảng dạy thêm 2 môn ngoại ngữ và tin học trong đào tạo nghề. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên; giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp….
Ghi nhận những kiến nghị chi tiết cụ thể, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định đoàn sẽ tiếp thu cao nhất những kiến nghị tâm huyết của cử tri. Khẳng định Hà Nội mong có bộ Luật Giáo dục thực sự có hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến để đánh giá kỹ hơn thực trạng, giải pháp, đề xuất cho vấn đề này. Trong đó, cần gắn bộ giữa định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề. Đồng thời, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh giá Quy Hoach nguồn nhân lực của Hà Nội để ưu tiên cho lĩnh vực cấp thiết, có ưu đãi cho ngành đó. Bên cạnh đó, khảo sát nhu cầu của cơ sở dạy nghề từ đó có đầu tư hợp lý.