Theo đó, để công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, các quận, huyện chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố cam kết thực hiện quản lý chặt thức ăn dư thừa.
Thức ăn thừa được đựng trong các dụng cụ chứa đựng có nắp đậy kín và bàn giao cho công ty môi trường xử lý theo quy định. Các dụng cụ chứa đựng hàng ngày phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Trường hợp thức ăn thừa được tận dụng cho chăn nuôi, trước khi đưa ra khỏi cơ sở, phải được xử lý nhiệt. Định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột tại cơ sở.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi bằng nguồn thức ăn tận dụng cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nơi tập kết thức ăn thừa được cách ly xa với khu vực chuồng nuôi; các dụng cụ chứa đựng thức ăn dư thừa có nắp đậy kín, trước và sau khi sử đụng phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Đặt vôi cục tại các rãnh thoát nước thải để khử trùng. Trước khi cho lợn ăn, thức ăn thừa phải được nấu chín kỹ.
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn, cơ sở, kiểm soát đến tận thôn, xóm, tổ dân phố. Kiểm tra dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời, tìm nguyên nhân, giải quyết triệt để xác lợn chết tại các điểm tập kết rác thải, trôi nổi trên kênh mương, nội đồng, sông, hồ, ao, đập; không để gây ô nhiễm môi trường và bức xúc dư luận.