Hà Nội: Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng cao hơn cùng kỳ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 4/7, tại đầu cầu Hà Nội, thay mặt cho lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ, tình hình trong nước đan xen những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức song TP đã phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được toàn diện trên các mặt.

GRDP tăng 7,21%, quản lý đô thị, an sinh xã hội đảm bảo

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với các báo cáo: về tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, số 02, số 35; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; kết quả thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 6 tháng đầu năm 2019 cũng như báo cáo của các bộ, ban, ngành và các địa phương. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng Ban lãnh đạo TP tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tại đầu cầu Hà Nội
Đối với Hà Nội, TP triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; khủng bố ở một số thành phố trong khu vực; dịch tả lợn Châu phi lan rộng trong khu vực... Tình hình trong nước đan xen những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức: làn sóng đầu tư vào Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp; việc điều chỉnh giá điện và một số dịch vụ gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng; thời tiết diễn biến khó lường...
Trong khó khăn chung, TP đã phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố, ban hành sớm các kế hoạch, chương trình hành động, củng cố kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị…
Ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành của TP được triển khai quyết liệt, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 12 với 76 nhiệm vụ và Chương trình công tác số 240 với 266 nhiệm vụ. Đã hoàn thành 961/1.050 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 92%); còn 89 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện (chiếm 0,8%), trong đó 08 nhiệm vụ quá hạn. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được toàn diện trên các mặt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ: GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Thu NSNN đạt 133,854 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, tăng 14,3%. Khách du lịch đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5%, trong đó: khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6%, tổng doanh thu từ khách du lịch tăng 29,8%. Đã phối hợp với các tỉnh, TP tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tiêu thụ sản phẩm các địa phương tại thị trường Hà Nội để đảm bảo bình ổn giá.
TP cũng triển khai và thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ: Trong đó Chỉ số PCI năm 2018 tăng 04 bậc, xếp thứ 9/63; Chỉ số Cải cách hành chính duy trì vị trí 2/63; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền tăng 16 bậc (hoàn thành sớm trước 02 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 30c của Chính phủ); Đã rà soát cắt giảm đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính; từ năm 2016 đến nay đã đơn giản hóa 304 thủ tục. “Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.272/1.772 đạt 72%, trong đó mức độ 3 đạt 72%, mức độ 4 đạt 15,3%. Từ ngày 26/10/2018 đến nay có  1 triệu 399 hồ sơ, 100% hồ sơ được cập nhật trên hệ thống 1 cửa điện tử, trong đó giao dịch trực tuyến 212.120 hồ sơ đạt 15,3%”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Công tác Quản lý và phát triển đô thị, nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%; Xử lý được 05 điểm ùn tắc giao thông; Hoàn thành hạ ngầm 96/177 tuyến phố; Trồng thêm mới 166 nghìn cây xanh đô thị; Tiếp tục cải tạo, xử lý ô nhiễm hệ thống các hồ trên địa bàn; Tỷ lệ cấp đất dịch vụ đạt 73,2%; Tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 57,3%; Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 83,9%, đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận 3 huyện đạt chuẩn NTM.
Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo: TP Tập trung chuẩn bị cho việc tổ chức giải đua xe Công thức 1. Hạ tầng viễn thông được nâng cấp, đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt, nhất là tại Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.
Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách được thực hiện tốt hơn năm trước. Tổ chức an toàn kỳ thi PTTH. Phối hợp các tỉnh, thành phố và các đại sứ quán tổ chức tốt hơn 100 sự kiện văn hóa;
Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chủ động cùng với các cơ quan Trung ương chuẩn bị và tham gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đảm bảo tuyệt đối an toàn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và Thủ đô; Tích cực thực hiện chương trình hợp tác với các địa phương nhằm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội cũng như thúc đẩy liên kết phát triển KT-XH, du lịch, kết nối cung cầu hàng hóa.
Siết chặt kỷ cương hành chính, giải quyết khó khăn vướng mắc cho người dân, DN
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng năm 2019 cũng là nhiệm vụ xuyên suốt của TP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã tổ chức Hội nghị toàn TP để quán triệt kỷ cương hành chính, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” đến tận cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được quan tâm. Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 15.005 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý 18.771 đơn các loại; tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.046 vụ KNTC; đã giải quyết 1.524 vụ, đạt tỷ lệ 74,5%. Số còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.
Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 22 tập thể, 13 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ. Triển khai 186 cuộc thanh tra, qua thanh tra đã kiểm điểm trách nhiệm 32 tập thể và 45 cá nhân có vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 02 vụ. Đã rà soát xử lý 10.799 kết luận thanh tra phải tổ chức thực hiện từ năm 2011 đến 2019 trên toàn TP. Số kết luận đã tổ chức thực hiện xong: 9.966 (đạt tỷ lệ 92,29%). Còn phải tổ chức thực hiện: 833 kết luận thanh tra (7,71%).
Số DN trên địa bàn không ngừng tăng. TP cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.630 DN  (tăng 9%); Vốn đầu tư xã hội đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12,02%; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,03 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nêu một số tồn tại, hạn chế: Một số chỉ tiêu tăng trưởng duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ; Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ; Dịch tả lợn Châu phi vẫn diễn biến phức tạp (đến 23/6 tiêu hủy 429.029 con, làm giảm 22,9% tổng đàn); Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước; Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm; Tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu; Còn vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm; một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để; Hiện tượng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra; Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập; Quản lý vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế, nhất là ở các làng nghề; Còn những hành vi thiếu văn hóa diễn ra ở nơi công cộng, vi phạm luật an toàn giao thông, uống rượu bia khi tham gia giao thông, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, mê tín dị đoan,…diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp; Số vụ cháy giảm so với cùng kỳ song thiệt hại về người tăng và nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn, phức tạp.
5 giải pháp trọng tâm để toàn thành mục tiêu 2019
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 7,4-7,6% năm 2019, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt trên 7,6%, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, với 5 trọng tâm:
Thứ nhất, chuẩn bị tốt các nội dung chuẩn bị phục vụ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị theo Kết luận số 46 của Bộ Chính trị;
Thứ hai, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn; Thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân đầu tư XDCB; tập trung dập dịch tả lợn Châu phi, các giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm; tăng cường liên kết vùng, bình ổn giá; 
Thứ ba, đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch phân khu, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng; tăng cường quản lý khai thác tài nguyên trái phép. “Đặc biệt, TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy để tạm thời đóng cửa việc khai thác cát trên các dòng sông trên địa bàn TP; phấn đấu hoàn thành công tác giao đất dịch vụ”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thêm. 
Thứ tư, nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Tập trung hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO đề cử Hà Nội tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Tổ chức tốt các ngày kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
Thứ năm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội trong mọi tình huống; Chuẩn bị triển khai hiệu quả công tác ứng phó mùa mưa bão, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch.
Tại Hội nghị, TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề như: Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở… nhằm giải quyết các nội dung còn vướng mắc hiện nay.
Sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các ưu đãi đối với DNNVV, đặc biệt là DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp sáng tạo; khả năng tiếp cận đất đai cho DNNVV. Đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 17 ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử làm cơ sở cho các tỉnh, TP tổ chức thực hiện.
Đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 của Bộ Công Thương.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ bản, TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép các dự án ODA được giải ngân theo tiến độ; Đề nghị Chính phủ cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để GPMB thúc đẩy việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản; TP cũng đề nghị các tỉnh, TP có đoàn khiếu kiện đông người cử lãnh đạo các tỉnh, TP trực tiếp ra Hà Nội để phối hợp giải quyết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần