Đáng chú ý, về lĩnh vực tài chính ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều dự báo, kinh tế thế giới không thể tăng trưởng trên 3% như dự báo ban đầu mà khả năng sẽ tăng trưởng âm (từ âm 1 - 0%, thậm chí thấp hơn).
Trong bối cảnh đó, mức độ tăng trưởng theo dự báo nêu trên của Hà Nội là rất ấn tượng. Phân tích cụ thể số liệu về tài chính, ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc nhất các chỉ tiêu của ngành, là địa phương đóng góp cao nhất vào sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm qua. Trong đó, mức tăng thu ngân sách bình quân hằng năm của cả nước từ 12 - 14%/năm nhưng Hà Nội tăng 16%/năm.
Hà Nội cũng điều hành ngân sách rất an toàn với dự phòng thường xuyên từ 15.000 -17.000 tỷ đồng và nợ công ở mức 11.000 tỷ đồng. Tính đến nay, thu ngân sách của Hà Nội đã đạt 40% dự toán mặc dù TP đã gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền lên tới 17.200 tỷ đồng chiếm phần lớn trong tổng số 37.000 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn hỗ trợ DN trên cả nước.
Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, TP đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó nên bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tinh giản bộ máy.