Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội lấy ý kiến bộ, ban, ngành Trung ương vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội T.Ư vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị vào 9/2020
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. 
Dự thảo Báo cáo Chính trị được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị là Dự thảo lần 2, phiên bản thứ tám và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Về lộ trình theo kế hoạch, Dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ được trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP tại Hội nghị lần thứ 24 diễn ra vào tháng 7. Đến 9/2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực và số liệu năm 2020 đều là dự tính hoặc do Tổng cục Thống kê công bố, nhưng chưa được đánh giá lại. Đến 9/2020, trước khi trình Bộ Chính trị, TP đã có số liệu quý III/2020 thì Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020.
Hà Nội dự kiến xác định 3 khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như: Chủ đề, phương châm Đại hội; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2015-2020; các bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các nhóm chỉ tiêu; 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu đề dẫn tại hội nghị.
Thông tin rõ hơn về nội dung chính của Dự thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020-2025. Trong đó, TP xác định ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Cùng với đó, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô....

Đóng góp cao nhất về tài chính, ngân sách quốc gia

Các ý kiến tại hội nghị đánh giá cao Dự thảo Báo cáo Chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; nội dung Dự thảo Báo cáo đã bao trùm trên các lĩnh vực, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để từ đó đề ra những giải pháp để khắc phục. Đáng chú ý, Dự thảo đã thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ qua và đưa ra được các chiến lược phát triển trong  5 năm tới (2020-2025) và các năm tiếp theo. 

Đề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch một cách có kế hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài. 

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong đánh giá của Dự thảo Văn kiện đã nói rất kỹ việc có bao nhiêu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhưng chưa nêu đã có kế hoạch thực hiện hay chưa. Do đó, nhiệm kỳ tới cần đánh giá đúng để làm tốt hơn.

Đề cập đến lĩnh vực nhà ở, thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, Dự thảo Văn kiện đã nêu ra nhưng cần xem xét các chỉ tiêu và định hướng cụ thể hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực nhà ở cần có các chỉ tiêu liên quan đến số lượng mét vuông, số lượng nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vấn đề cải tạo chung cư cũ. Hay liên quan thị trường bất động sản, Hà Nội với vai trò Thủ đô và dự báo trong thời gian tới, thị trường này sẽ rất sôi động nên trong Dự thảo cần có một mục đề cập đến các giải pháp, chương trình cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch.

Về lĩnh vực tài chính ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tài chính ngân sách đặt ra. Đồng thời cũng là địa phương đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia trong 5 năm qua. Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính góp ý, TP đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó nên bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tinh giản bộ máy.

Trong khi đó, đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị, cần xác định lộ tình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xây dựng TP thông minh. Đặc biệt, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá là khiêm tốn. Bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Về tín dụng, Hà Nội cũng là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước. Cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Vì thế trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững. Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của DN Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%.

 Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại hội nghị

Liên quan đến lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.

Trân trọng cảm ơn, tiếp thu 14 ý kiến đại biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, đây là những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm, tình cảm với Thủ đô và khẳng định những ý kiến này sẽ góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo Chính trị của Đảng bộ TP. Ngoài các ý kiến đóng góp trực tiếp, Bí thư Thành ủy mong muốn tiếp tục nhận được góp ý và sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư để Thủ đô thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển văn minh, hiện đại trong thời gian tới.