Sự hợp tác này đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô.
Mở rộng cánh cửa hội nhập
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới...
Từ năm 2007 đến nay, sở đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ với đối tác nước ngoài nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và các nước.
Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá chất lượng nhãn muộn năm 2018 tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ngọc Ánh |
Cụ thể, Sở NN&PTNT đã có bản ghi nhớ với Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản); Công ty Fresh Farm SDN BHD (Malaysia) trong sản xuất và tiêu thụ cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... Bên cạnh đó, TP cũng đã vận động, sử dụng và quản lý hiệu quả các viện trợ không hoàn lại và vốn vay nước ngoài cho phát triển nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, thông qua hợp tác quốc tế, nhiều dự án, kỹ thuật canh tác mới, tiên tiến đã được chuyển giao đưa vào sản xuất. Nhận thức của cán bộ và nông dân các vùng triển khai thực hiện dự án có bước tiến rõ rệt. Nhờ đó, nhiều nông sản của Hà Nội còn xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Đơn cử như năm 2018, Hà Nội đã xuất khẩu 19 tấn nhãn chín muộn sang Mỹ và một số nước châu Âu, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản Hà Nội.
Trong chăn nuôi, Hà Nội đã thực hiện dự án bò sữa Việt - Bỉ, thúc đẩy chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. TP còn thực hiện dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế (Dự án được thực hiện giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Hà Lan). Qua đó, nhiều nông dân Hà Nội đã được tiếp cận với các giống lợn chất lượng cao, được hỗ trợ tổ chức liên kết chuỗi trong sản xuất.
Thúc đẩy tái cơ cấu ngành
Không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế, Hà Nội còn tích cực hỗ trợ, chia sẻ với một số nước để phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2014, TP đã hỗ trợ Thủ đô Vientiane (Lào) xây dựng quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đào tạo cán bộ quản lý cho Sở Lâm nghiệp Vientiane.
Đối với tỉnh Luangprabang, đã hỗ trợ địa phương nhân giống cam Nậm Bạc, tuyển chọn được 30 giống cam có năng suất cao phục vụ sản xuất giống. “Thành công nhất phải kể đến chương trình Hà Nội hỗ trợ Mozambique trồng lúa nước giai đoạn 2011 - 2014. Mô hình 100ha cho năng suất cao, với giống lúa ngắn ngày đạt 6 tấn/ha, giống lúa dài ngày đạt 4,1 tấn/ha” – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa chia sẻ.
Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Để tăng cường hội nhập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở tiếp tục tham mưu TP thực hiện hiệu quả quy hoạch nông nghiệp; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cùng với đó, sẽ triển khai các giải pháp nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản như: Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, chế biến sâu trong sản xuất để có nông sản chất lượng phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
"Các chương trình hợp tác quốc tế đã đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Nội, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hà Nội có nhiều cơ hội để thực hiện hợp tác quốc tế và đang triển khai một số chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao như rau, củ, quả, chăn nuôi bò, lợn, thủy sản." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại |