Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào 9 khu nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/4, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển liên kết vùng, tạo sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch.

Đánh giá về nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Hà Nội, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, TP với khoảng 10 triệu dân cư trú cần khối lượng rất lớn lương thực, thực phẩm. Trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ 83.400 tấn gạo, 20.000 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 5.200 tấn thịt gà, 5.050 tấn thuỷ hải sản, 84.100 tấn rau củ quả, khoảng 95 triệu quả trứng (gà, vịt), cùng 52.000 tấn trái cây.
Đại diện DN phát biểu tại hội nghị. 
Mặc dù vậy, khả năng đáp ứng của Hà Nội hiện chưa đạt so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà, Hà Nội có thể đáp ứng cơ bản ở mức 60% nhu cầu, rau củ 65%, trứng gia cầm 66%, các mặt hàng khác hiện vẫn phải nhập phần nhiều.
Khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 10 triệu dân của Hà Nội đối với một số mặt hàng cụ thể là: Gạo 35%, thịt bò 15%, thủy hải sản 40%, thực phẩm chế biến 25%, trái cây an toàn 30%... Khối lượng rất lớn còn thiếu chủ yếu được Hà Nội nhập từ các tỉnh, TP lân cận. Thị trường là yếu tố quan trọng, động lực lớn và cũng là cơ hội để các DN tham gia đầu tư.
Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng DN tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Đến nay, toàn TP đã xây dựng và phát triên 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản. Bên cạnh đó là 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật. 40 nông sản đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, ngành nông nghiệp có phát triển hay không có vai trò rất quan trọng của các DN. Chính vì vậy, ngành NN&PTNT Hà Nội mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để các DN có thể phát triển trên cơ sở “làm ăn chân chính”.
Ông Tường cho rằng, tình trạng “được mùa mất giá” là do cách làm cũ không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Do đó, trong cách làm cần thay đổi theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, phục vụ mục tiêu xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thông tin, để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, TP Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại huyện Hoài Đức (300ha), quận Hà Đông (76ha), vùng ven bãi sông Hồng huyện Mê Linh (105ha), huyện Đan Phượng 33ha (xã Song Phượng, xã Đồng Tháp), huyện Phúc Thọ (200ha), huyện Sóc Sơn (70ha), huyện Ba Vì (300ha), thị xã Sơn Tây (80ha). Đồng thời nhấn mạnh, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp tích cực với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội và Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, cách làm, để các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp.