Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, thu hút FDI dẫn đầu cả nước

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, UBND TP giao ban công tác tháng 5/2019.

Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Doãn Toản cùng đại diện các sở, ngành TP.
Thu hút FDI đạt 4,75 tỷ USD, dẫn đầu cả nước
Theo Giám đốc sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Hà Nội tiếp tục phát triển. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 7,08% (cùng kỳ tăng 7,8%). Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch tăng 10,8% (cùng kỳ tăng 10,0%). Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống gian lận thương mại tiếp tục được tăng cường; hàng hóa cung ứng đa dạng và kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chỉ số gia tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 2,98%), trong đó tăng cao nhất là các nhóm hàng: Dịch vụ giáo dục 13,62%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 5,32%; Văn hóa và giải trí, du lịch 5,07%; Nhà ở và vật liệu xây dựng 4,71%.
 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp giao ban UBND TP Hà Nội tháng 5/2019
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, 5 tháng đầu năm đạt 5,85 tỷ USD, tăng 6,8% - thấp hơn mức cùng kỳ (11%). Nguyên nhân chủ yếu do: Nhóm hàng điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi có cơ cấu khá lớn (18% kim ngạch) năng tăng khá khiêm tốn (5,6%) so với cùng kỳ (14%) và do mặt hàng xăng dầu giảm (0,6%) trong khi cùng kỳ tăng 8,3%, trong khi mặt hàng này chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu.
Du lịch tiếp tục phát triển. Khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 11,75 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%), trong đó, khách quốc tế 2,89 triệu lượt, tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 27,3%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41,9 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,0%). Công suất sử dụng phòng khách sạn trung bình đạt 71% (tăng 8,09% so cùng kỳ).
Sản xuất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi: Hết ngày 26/5/2019, ghi nhận lơn bệnh tại 13.821 hộ chăn nuôi (17,1 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), 1.691 thôn, tổ dân phố, 416 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 215.326 con (11,5 % tổng đàn), trọng lượng 14,92 nghìn tấn. Chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn; gia cầm phát triển tốt, hiện nay có 31 triệu con, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 8.746 tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trà lúa xuân sớm đang trong giai đoạn chín sáp và thu hoạch; năng suất lúa ước đạt 62,8 tạ/ha (tăng 0,1 tạ/ha so cùng kỳ). Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 55 ha, không xảy ra cháy rừng. Công tác thủy lợi, quản lý đê điều và phòng chống thiên tai tiếp tục được quan tâm, triển khai sớm và chủ động.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, trong đó 1,2% hồ sơ sử dụng chữ ký số công cộng. 5 tháng đầu năm, có 9.420 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 97,5 nghìn tỷ đồng (giảm 1% về số lượng và tăng 36% về vốn so với cùng kỳ); thu hút 4,75 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tiếp tục dẫn đầu cả nước (chiếm 28,64% vốn đăng ký).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước. Tổng thu trên địa bàn ước đạt 109,62 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán (cùng kỳ đạt 38,2%); trong đó, thu nội địa 101,26 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán (cùng kỳ đạt 39,1%).
Quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được đẩy mạnh. TP tiếp tục tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông,duy trì trật tự đô thị; đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường. Quản lý, duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ được duy trì. Giao đất dịch vụ được quan tâm chỉ đạo, đến nay đạt 66,48% kế hoạch.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội và sự kiện trên địa bàn được tổ chức tốt; thể thao tiếp tục đóng góp nhiều thành tích quan trọng cho thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế và khu vực. Các dự án chuẩn bị cho Giải đua xe công thức 1 đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
An sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ giải quyết việc làm 5 tháng đầu năm đạt 48% kế hoạch; các chính sách, chế độ với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đẩy đủ, đúng đối tượng.
Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình phòng khám Bác sỹ gia đình. Dịch bệnh được kiểm soát, có ghi nhận các bệnh về sởi, sốt xuất huyết, ho gà, mắc tay chân miệng nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đã điều tra khám phá 100% số vụ trọng án và 83,3% vụ phạm pháp hình sự. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ; so với cùng kỳ: giảm 131 vụ cháy; giảm 10 người chết, 12 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm khoảng 220 tỷ đồng…
Trong thời gian tới, TP tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng năm 2019, trong đó tập trung phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lớn Châu Phi. Nghiên cứu và dự báo thị trường, nhất là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển sản xuất kinh doanh.
  Giám đốc sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2019
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững. Thành lập Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư XDCB, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án tu bổ đê, kè.
Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường. Đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch, đảm bảo cấp - thoát nước mùa hè. Tiếp tục thực hiện trồng cây xanh, công tác hạ ngầm và quản lý tốt các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung; cải tạo các hồ trên địa bàn; đôn đốc các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn;…
Quan tâm các hoạt động hè cho học sinh, chú trọng dạy học bơi, kỹ năng chống đuối nước. Chuẩn bị và tổ chức công tác tuyển sinh, khai giảng năm học mới. Tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm mùa hè. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Phát hiện, xử lý sớm, không để dịch tả lợn Châu Phi lan rộng

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ báo cáo diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn TP cho biết, đến nay tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn TP là khoảng 470 tỷ, ước theo giá thị trường là 30.500 đồng/kg.

Tính đến ngày 28/5, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 3.215 xã/297 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.965.141 con lợn. Tuy nhiên, thời gian qua đã có rất nhiều xã thuộc các tỉnh, thành phố có dịch bệnh qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi trong cùng xã.

Một số tỉnh, thành phố hiện đang có số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn và chiếm tới 30-40% tổng đàn như: Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang... Những ngày qua dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố và đang lan rộng vào tới tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trên địa bàn TP Hà Nội, đến ngày 28/5, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi (chiếm 19,2 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/1.820 thôn, tổ dân phố/425 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và tiêu hủy 249.878 con (chiếm 13,3 % tổng đàn).

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ báo cáo diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn TP 

Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn: 51.028 con (chiếm 41,7% tổng đàn huyện); Đông Anh: 27.806 con (chiếm 35% tổng đàn huyện); Quốc Oai: 20.183 con (chiếm 31,5% tổng đàn huyện); Phú Xuyên: 14.749 con (chiếm 21,7% tổng đàn huyện); Thường Tín: 14.364 con (chiếm 22,7% tổng đàn huyện)….

Hiện tại, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.

Ngay sau khi dịch tả lơn Châu Phi xuất hiện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và cơ quan thông tin truyền thông vào cuộc trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, phòng, chống dịch bệnh.

Chính quyền các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh kịp thời. Công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, đúng quy trình. Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã triển khai 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 187 tấn. Ngoài ra ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 148 tấn hóa chất, 4.500 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi đến nay trên địa bàn thành phố là khoảng 470 tỷ (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg). Theo thống kê nhanh, hiện số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5 %. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch là khoảng 200 tỷ (trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%). Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều…

Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.

Hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho các điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 

Tại Hội nghị giao ban, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2019-2020.

Theo đó, Sở đã tổ chức hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm học 2018-2019, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020; hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy năm 2019 cho đối tượng là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và các chuyên viên phụ trách các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của các quận, huyện, thị xã.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp phần mềm và Sở Thông tin và Truyền thông chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; bổ sung chức năng hỗ trợ công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Sở tổ chức họp với UBND các quận, huyện, thị xã về việc chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020; cung cấp số liệu và dữ liệu điều tra học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác giao chỉ tiêu và phân tuyến tuyển sinh; kiểm tra việc tính điểm cộng thêm, điểm sơ tuyển của học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm học 2019-2020; hoàn chỉnh dữ liệu đăng ký dự thi. Thành phố cũng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng bảo vệ bài thi, đề thi tại các điểm thi và tại các phòng chấm thi; tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi vào lớp 10 THPT; thành lập Hội đồng ra đề thi, in sao đề thi và các Ban coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi... Đến nay công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho các điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 đã hoàn thành. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng công cụ xác nhận nhập học trực tuyến; tổ chức phổ biến về quy chế và tập huấn về kỹ thuật, về quy trình thi, tuyển sinh và đã tham mưu việc ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra...

Tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn TP trước mùa mưa bão

Giám đốc sở Xây dựng Lê Văn Dục báo cáo về công tác chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn TP trước mùa mưa bão cho biết, năm nay, dự báo có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng giông lốc và mưa lớn. Để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, giảm thiệt hại nguy cơ gãy đổ từ hệ thống cây xanh, mùa mưa bão năm 2019, Sở Xây dựng đã chủ động giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị để rà soát khối lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, thực hiện cắt tỉa cây và gia cố cọc chống chưa đảm bảo đối với cây mới trồng; xử lý kịp thời cây bóng mát có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão.

 Giám đốc sở Xây dựng Lê Văn Dục phát biểu tại hội nghị

Theo Giám đốc sở Xây dựng, Sở đã tổ chức khảo sát, phân loại (các cây nguy hiểm, sâu mục, nặng tán…) để xây dựng kế hoạch. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động xử lý,ưu tiên thực hiện các cây nguy hiểm, sâu mục, nặng tán để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, trong đó: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thực hiện12.491 cây/28.448 lượt cây đạt 43.9 % kế hoạch.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tiếp tục cắt tỉa 13.592 cây/125 tuyến phố trên địa bàn 12 quận đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế cây đổ trong mùa mưa bão, cắt tỉa để điều chỉnh, định hướng tán giúp cây sinh trưởng cân đối đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị với khối lượng thực hiện quận

Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện, các đơn vị được giao thực hiện tổ chức khảo sát, rà soát các cây nguy hiểm, sâu mục, nặng tán để xử lý kịp thời và tăng cường gia cố chằng, chống cây tại các vị trí có hệ thống cây xanh giữa 2 khối nhà chung cư tạo không gian hút gió rất mạnh có khả năng xảy ra bật gốc cây, cây nghiêng, gẫy đổ.

Trong nội đô hiện nay nhiều cây lâu năm, cây cổ thụ bị sâu mục, nặng tán có nguy cơ gẫy đổ khi mùa mưa bão sắp đến trong đó những cây có đường kính lớn như Xà cừ cần phải được cắt sửa kịp thời trước mùa mưa bão năm 2019. Đối với các cây có chiều cao lớn trên địa bàn Thành phố Công ty TNHH MTV công viên cây xanh đã thực hiện đối với các cây Xà cừ có chiều cao lớn, thực hiện xử lý kịp thời với khối lượng 965/1.844 thuộc 42 tuyến đường, phố.

Tại các khu vực xa trung tâm, tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ: Do đặc điểm địa hình không gian rộng, không có vật che chắn khi có bão, giông lốc sẽ rất nguy hiểm ảnh cây dễ gẫy đổ vào các phương tiện khi tham gia giao thông Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc UBND các huyện, thị xã và các đơn vị tham gia duy tu duy trì cây xanh tăng cường đề phòng các tình huống có thể xảy ra và ứng phó kịp thời.

Nhật Cường chỉ là 1/63 đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm cho Hà Nội

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, báo cáo cho biết vào thời điểm hiện tại có 63 đơn vị đang cung cấp 135 dịch vụ phần mềm khác nhau cho UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành trực thuộc Thành phố, trong đó Công ty Nhật Cường chỉ là 1/63 đơn vị tham gia dịch vụ này.

Tổng số kinh phí thành phố đã chi trả kinh phí thuê phần mềm cho Công ty Nhật Cường trong 3 năm vừa qua ở cấp thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố theo đúng trình tự của pháp luật quy định với số tiền là 7, 265 tỷ đồng, chiếm 0,49% trên tổng số chi ngân sách cho công nghệ thông tin của Thành phố. Ngoài ra, Nhật Cường thực hiện 07 gói thầu mua sắm, tổng số kinh phí là 12,34 tỷ đồng chiếm 0,84% kinh phí CNTT (chiếm 1,23% kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị CNTT).

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Việc tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 của Thành phố được chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang mô hình thuê dịch vụ, bao gồm:

Thuê máy chủ và chỗ đặt của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Thuê máy chủ dự phòng, dự kiến của của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tiếp tục sử dụng máy chủ đã được đầu tư ở giai đoạn 2011-2015 để làm Trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Thuê đường truyền của các tập đoàn, công ty: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty cổ phần FPT; Tập đoàn Công nghệ CMC; Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Thuê dịch vụ Cloud (Dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây) của một số đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác với Ban Cơ yếu Chính phủ về bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin… cho Hệ thống Công nghệ thông tin Thành phố.

Mời giảng viên của các Trường Đại học (Bách Khoa, FPT, Tổng hợp) tham gia giảng dạy, đào tạo toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức vận hành Hệ thống CNTT của Thành phố.

Một trong các cơ chế cơ bản việc thực hiện Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo cơ chế thuê, xây dựng một hệ thống liên thông, đồng bộ từ Thành phố đến sở, ngành, quận huyện, phường xã, không đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị.

Thuê dịch vụ phần mềm của các công ty trên cơ sở các kỹ sư viết phầm mềm theo yêu cầu của Thành phố, sau đó phải chịu trách nhiệm tập huấn cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thành thạo, đồng thời chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống, việc vận hành này không làm tăng biên chế hành chính của Thành phố.

Hiện nay, Thành phố đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số dịch vụ công cho thành phố; Tổ chức duy trì để đảm bảo sự hoạt động bình thường của các hệ thống chương trình phần mềm mà do Nhật Cường Software đang cung ứng dịch vụ và chạy thử nghiệm.

Liên quan đến việc sử dụng chất Redoxy3C, vừa qua có một số thông tin dư luận phản ảnh liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm này, Chủ tịch UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C, trong thời hạn 45 ngày phải kết luận, công bố công khai trước công luận.