Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 5,4 lần
Sáng nay (2/7), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước để bàn về tình hình kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với các nhận định, đánh giá về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018.
Về kết quả về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch cho biết, ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai quyết liệt, trọng tâm là triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thành phố đã xây dựng kế hoạch số 34 và đã triển khai thực hiện nghiêm túc 150 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố: 22 nhiệm vụ đã hoàn thành; 126 nhiệm vụ đang trong giai đoạn thực hiện; 2 nhiệm vụ giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai chưa hoàn thành và sẽ báo cáo Thủ tướng trước 10/7.
Về kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng cao hơn cùng kỳ, cụ thể: CRDP tăng 7,78% (cùng kỳ là 7,37%). Trong đó: Dịch vụ tăng 7,01% (cùng kỳ: 6,47%); Công nghiệp - xây dựng tăng 7,72% (cùng kỳ: 7,14%); Nông - lâm - thủy sản tăng 2,99% (cùng kỳ: 2,92%).
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 10,14% (cùng kỳ: 7,2%); khách du lịch quốc tế đạt 13,2 triệu lượt, tăng 10,2 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,07 triệu, tăng 27%; Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 10,4%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,39% - 3,45% (cùng kỳ: 3,86%).
Chủ tịch cũng cho biết, môi trường đầu tư của Hà Nội tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Chỉ số PCI năm 2017 tăng 01 bậc, xếp thứ 13/63; Chỉ số Cải cách hành chính tăng 01 bậc, đứng vị trí 2/63. Vốn đầu tư xã hội đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,915 tỷ USD, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ.
Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đã có 12,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 48% về vốn so với cùng kỳ; đã công bố chính thức 1.915 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; có 515 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 27,5% (trong đó 170 dịch vụ công trực tuyến mức 4).
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán, tăng 18,7%.
Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được thực hiện toàn diện: đã có 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước sạch theo hình thức xã hội hóa với tổng công suất 2.105.000 m3/ngày đêm, phủ được 94% dân số vùng nông thôn; đến nay, đã có 52% số người dân các huyện ngoại thành được sử dụng nước sạch theo tiêu chí nước đô thị; đã đưa vào vận hành thí điểm thành công công nghệ nghiền phế thải xây dựng; Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đạt 84,3%; Cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 1.538.238 thửa/1.551.951 thửa, đạt 99,11%; hoàn thành giao đất dịch vụ diện tích 339,9 ha cho 39.194 hộ dân, đạt trên 60 %.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm: đã hoàn thành 129.211 m2 sàn, với 1.047 căn hộ nhà ở xã hội; tổ chức Chương trình “Vòng tay nhân ái” qua đó kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn đồng hành cùng Thành phố và hỗ trợ 21 tỉnh, thành phố với số tiền 50,3 tỷ đồng; đã sửa chữa và xây mới được 3.315/4.341 căn nhà cho hộ nghèo (đạt 76,4%) kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trước ngày 17/10/2018.
Giải quyết việc làm cho 97.240 lao động, đạt 63,9% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ; dịch bệnh được kiểm soát; tiếp tục tổ chức khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên đến nay được 278.646 người; đã thiết lập được 3.755.114 hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân (đạt 52%); tiếp nhận chuyển giao 27 công nghệ mới đưa vào khám chữa bệnh cho người dân; tiếp tục triển khai thí điểm đào tạo hệ song bằng cho 07 trường THCS công lập; Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia là 52%, trong đó, trường công lập đạt 62%. Cải tạo xây dựng mới được 2.725 nhà vệ sinh trong các trường học.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Đã chủ động thực hiện các giải pháp tăng cường an ninh, trật tự; dự báo tốt tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền và kịp thời ngăn chặn không để xảy ra tập trung đông người, tuần hành trái pháp luật; không để xảy ra khủng bố, phá hoại…
Hỗ trợ toàn diện về đăng ký thành lập mới doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ và 188 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 34 của UBND Thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Triển khai chính sách hỗ trợ toàn diện về đăng ký thành lập mới doanh nghiệp từ ngày 01/8/2018 (sau khi HĐND Thành phố thông qua chính sách).
Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố.
Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông sản; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất, chống thất thu thuế xuất, nhập khẩu; chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án trọng điểm.
Đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch, quy chuẩn kiến trúc xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch; Tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông; đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa, cung cấp nước sạch trong mùa hè.
Tiếp tục đôn đốc khắc phục các tồn tại thiếu sót theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kiến nghị của kiểm toán Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện vật chất để kịp thời ứng phó với các sự cố do thiên tai trong mùa mưa bão.
Tổ chức triển khai Chương trình Sữa học đường cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học nhằm góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em trên địa bàn Thủ đô theo Đề án đã được phê duyệt.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, ngoại giao trên địa bàn. Đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết các đơn thư, kiến nghị, khiếu kiện. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; Tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ; tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo Chỉ thị số 13 ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp này, Thành phố Hà Nội đề xuất: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…). Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.