Đóng góp tại hội thảo, một số tham luận đã đánh giá trực tiếp hiện trạng môi trường, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững và ý thức bảo vệ môi trường của con người hiện nay. Đồng thời, các tham luận đã đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững của Thủ đô.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Để ngành du lịch phát triển bền vững thì những vấn đề về môi trường cũng cần phải được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc, đầy đủ, vừa phát triển, vừa khai thác hiệu quả cao nhất về du lịch nhưng lại phải đảm bảo sự phát triển lâu dài. Không chỉ các cấp, các ngành mà mỗi người dân đều cần nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của phát triển bền vững, trong đó có du lịch bền vững,...”.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, hiện TP Hà Nội đang nghiên cứu đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách với mục tiêu phủ ba tầng cây xanh với 4 mùa hoa, bảo đảm môi trường bóng mát, trang hoàng bằng ánh sáng trang trí, đèn đường; nghệ thuật hóa các vỉa hè hai bên phố bằng các sản phẩm phù hợp như gốm, sứ, truyện tranh; hướng tới phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch một cách tốt nhất. Dự kiến đề án sẽ được thực hiện trong 2 năm 2017 và 2018.
Môi trường không khí của Hà Nội hiện được nhận định đã bị ô nhiễm nặng nên có tác động rất tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, làm giảm súc hút du lịch của TP. Do vậy, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho rằng, để phát triển con người và du lịch Thủ đô bền vững, cần phải phục hồi bầu không khí trong lành vốn có của Hà Nội. "Đây là một việc rất khó, nhưng không phải là việc bất khả thi, nếu có sự quyết tâm cao và biết cách giải quyết hiệu quả của lãnh đạo Thành phố, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng dân cư và nhiệt tình tham gia của các nhà khoa học, rất có thể chỉ khoảng năm 2030 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đó."- GS Phạm Ngọc Đăng khẳng định.