Hàng chục ngàn héc-ta lúa ngập nước
Vụ Mùa 2024, gia đình ông Nguyễn Duy Toan (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ), gieo cấy hơn 2 mẫu lúa. Đợt mưa kéo dài vừa qua, toàn bộ diện tích lúa ven sông Bùi của gia đình ông đã bị ngập.
Vụ Mùa năm 2024, các địa phương trên địa bàn Hà Nội gieo cấy tổng cộng 70.670ha lúa. Trong đó, lúa giống chất lượng cao được đưa vào sản xuất chiếm hơn 62% tổng diện tích. TP phấn đấu năng suất lúa vụ Mùa đạt khoảng 60 tạ/ha.
“Nước tràn qua đê khiến cả cánh đồng ngập sâu đến hơn 1m, chắc phải mất vài tuần mới rút hết được. Vụ này gia đình tôi coi như… mất trắng” - ông Toan buồn bã chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, tổng diện tích canh tác lúa vụ Mùa toàn xã vào khoảng 300ha. Đợt mưa vừa qua đã khiến hơn 100ha lúa bị ngập sâu nước. “Những diện tích đã ngập nước đến 5 ngày thì gần như bị hỏng…” - ông Thi nói thêm.
Thống kê cho thấy, riêng tại rốn lũ huyện Chương Mỹ, nước sông Bùi lên cao trên báo động III, tràn đê Bùi 2 hàng cây số trong những ngày qua đã khiến gần 2.400ha lúa của người dân 13 xã bị ngập. Hiện nay, trên nhiều diện tích lúa Mùa, nước vẫn chưa rút hết.
Trong khi đó tại huyện Thanh Oai, một vựa lúa lớn khác của Hà Nội, tổng diện tích bị ngập do mưa lớn kéo dài còn lớn hơn với khoảng 3.800ha. 2 ngày qua trời không mưa, nhưng nhiều diện tích lúa Mùa vẫn còn ngập sâu nước.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho thấy, tình trạng ngập úng cũng diễn ra tại hầu hết các địa phương có sản xuất lúa vụ Mùa như: Quốc Oai 1.400ha, Ứng Hoà 900ha, Gia Lâm 450ha, Đông Anh 400ha… Nhiều diện tích bị ngập sâu nước có nguy cơ bị “mất trắng”.
Thuỷ lợi “căng mình” chống ngập
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa vụ Mùa tại Hà Nội bị ngập sâu nước là bởi lượng mưa rất lớn các địa phương phải hứng chịu trong thời gian ngắn. Mực nước trên các sông, hồ chứa thuỷ lợi đồng loạt lên cao, trên mức báo động, tràn vào các xứ đồng.
Trạm trưởng Trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) Nguyễn Quang Minh cho biết, để chống ngập cho những diện tích nông nghiệp, nhiều ngày qua, đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại trạm duy trì ứng trực 24/24 giờ, tổ chức vận hành 6/6 tổ máy, tập trung tiêu úng bảo vệ lúa Mùa.
Theo Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) Trần Anh Tuấn, khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài, đơn vị đã chỉ đạo hệ thống các trạm bơm vận hành để tiêu nước đệm, chủ động phòng, chống úng ngập.
“Từ ngày 16/7 đến nay, cán bộ, công nhân viên ăn ngủ tại các trạm bơm, duy trì vận hành liên tục hàng trăm tổ máy. Đến nay, dù hơn 6.000ha lúa vụ Mùa do đơn vị phụ trách tưới, tiêu đã hết ngập, nhưng công việc vẫn tiếp diễn vì còn nhiều diện tích chưa thể tiêu thoát hết nước…” - ông Tuấn nói thêm.
Cùng với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy, ba doanh nghiệp thuỷ lợi khác của Hà Nội cũng đang rốt ráo triển khai các biện pháp chống úng, ngập cho cây trồng. Đặc biệt là trong bối cảnh mưa lớn diện rộng tái diễn từ nay đến ngày 31/7.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng ảnh hưởng đến những diện tích lúa vụ Mùa, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các doanh nghiệp thuỷ lợi, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) tại Văn bản số 1084/TL-VHTT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong bối cảnh mưa lớn tiếp diễn và kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản đề nghị các sở ngành, các địa phương không chủ quan, lơ là. Chủ động các phương án ứng phó thiên tai, trong đó có úng ngập nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định từ nay đến ngày 31/7, ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở khu vực đồng bằng từ 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.