Hà Nội: Nhiều hướng mở cho học sinh vào lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nếu trước đây, nhiều gia đình, học sinh (HS) coi vào lớp 10 công lập là lựa chọn tốt nhất, tối ưu nhất, thậm chí là duy nhất sau khi tốt nghiệp lớp 9 THCS thì giờ đây, quan niệm trên đã có nhiều đổi khác bởi sự chuyển động, phát triển của ngành GD&ĐT đã mở ra những suy nghĩ mới trong con đường học tập của HS.

HS xuất sắc chọn trường ngoài công lập “hot”
Nhà có điều kiện khá giả, chị Nguyễn Ngọc Hiền (quận Bắc Từ Liêm) cho con theo học trường quốc tế từ nhỏ. Được đầu tư Tiếng Anh cộng các điều kiện toàn diện khác, con chị Hiền trở thành một trong những HS vượt trội về Tiếng Anh và các môn Khoa học Tự nhiên. Chị có định hướng rõ ràng là sẽ cho con học tiếp cấp 3 tại trường THPT tư thục chất lượng cao hoặc trường quốc tế.
 HS có nhiều lựa chọn các loại hình trường THPT
Trong khi các bạn vất vả học và thi lớp 10 chuyên thì Phạm Trần Anh Quang (trú tại quận Đống Đa), HS một trường quốc tế tại Hà Nội dành thời gian nghỉ ngơi và học lập trình vì em đã nhận được 2 thư mời của 2 hệ thống trường quốc tế có tiếng tại Hà Nội với mức tặng học bổng 50% và 80% bởi có thành tích học tập xuất sắc 4 năm học THCS cộng bài thi học bổng đạt kết quả cao, thuyết phục Hội đồng nhà trường. Sau khi xem xét các điều kiện của cả hai trường, em và gia đình quyết định cho em học trường tặng học bổng cao hơn. Dự kiến về con đường tương lai của em cũng sẽ rất khác, có thể em sẽ đi du học sớm.
Là một phụ huynh lựa chọn cho con tiếp tục học cấp 3 hệ thống trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chị Ngọc Hà (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Con mình học cấp 1 công lập, cấp 2 mình cho con thi và học trường Lương Thế Vinh. Do yêu trường, yêu cô và có những thành tích cao trong học tập, con được tuyển thẳng lên cấp 3 của trường và mình tiếp tục cho con học cấp 3 tại đây. Nếu các phụ huynh khác dù xác định học cấp 3 tại trường nhưng vẫn cho con thi thử sức vào các trường chuyên thì mình chọn cách cho con nghỉ ngơi và học thêm tiếng Anh. Mình hài lòng và tự tin vì sự lựa chọn này”.
Chấp chới trường công nhưng chắc chân trường tư
Trời nắng hơn 40 độ nhưng anh Nguyễn Văn Hà, trú tại huyện Gia Lâm vẫn đến trường nộp hồ sơ cho con vào học trường THPT Bắc Đuống (Gia Lâm). “Con tôi học kém, thi vào lớp 10 nhưng làm bài được ít, tính ra điểm thấp, khó có thể đỗ vào trường công nên tôi quyết định đi nộp hồ sơ cho con vào đây cho yên tâm; tránh việc nộp muộn, trường hết chỉ tiêu lại không biết học đâu”.
Thầy Nguyễn Anh Quyết, Ban Tuyển sinh trường THPT Bắc Đuống cho hay: “Năm nay trường tuyển 270 chỉ tiêu lớp 10, bắt đầu thu hồ sơ từ 15/4 với 2 hình thức là xét tuyển học bạ và xét tuyển dựa trên kết quả thi lớp 10. Hiện trường đã tuyển sinh hết giai đoạn 1- xét tuyển học bạ. Vài ngày nữa có kết quả thi lớp 10 công lập, trường sẽ chuyển sang giai đoạn tuyển sinh 2”.
 Phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con vào trường THPT Bắc Đuống (huyện Gia Lâm)
Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2021-2022, toàn TP có 69.000 HS được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (tương đương 62% số HS dự tuyển). Như vậy, còn khoảng 24.000 HS không đỗ vào các trường công lập hoặc HS không đăng ký dự thi sẽ có những lựa chọn học tập khác như: Trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tại chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: “Năm học 2021- 2022, trên địa bàn huyện có tổng khoảng 4.800 HS tốt nghiệp lớp 9 THCS nhưng con số đăng ký tham dự vào lớp 10 THPT công lập là 4.065 em.
Được biết, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 3 trường THPT ngoài công lập (Ngô Sỹ Liên, Đặng Tiến Đông, Trần Đại Nghĩa), 1 trường công lập tự chủ tài chính (THPT thuộc ĐH Lâm nghiệp), 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên và 3 trường đào tạo nghề (Trung cấp Nghề tổng hợp, Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Bắc Bộ). Do đó, HS trên địa bàn có rất nhiều lựa chọn về trường nếu không dự thi, có kết quả thi lớp 10 công lập không cao hoặc khi có kết quả thi nhưng không đủ điểm đỗ vào các trường THPT công lập đã đăng ký nguyện vọng.
Từ nay tới ngày 30/6/2021, nhiều loại hình trường ngoài công lập đang nhận hồ sơ xét tuyển của HS. Với những trường này, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh để nắm được các mốc tuyển sinh, hình thức nộp hồ sơ, cơ sở vật chất, học phí… để chuẩn bị và hoàn thành đúng yêu cầu vì trường nào cũng tuyển sinh theo kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể và đều đăng công khai trên các kênh thông tin của trường.
Không phân biệt khu vực tuyển sinh
Toàn TP có 102 trường THPT ngoài công lập, công lập tự chủ tài chính; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 44 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Sở GD&ĐT Hà Nội quy định, các trường được lựa chọn áp dụng một hoặc đồng thời hai phương thức xét tuyển gồm: Thứ nhất, xét tuyển bằng cách sử dụng kết quả các bài thi của HS tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập; thứ hai, xét tuyển học bạ của HS ở cấp THCS (là điểm tính theo kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS, nếu HS lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó).
Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã thực hiện phương thức xét tuyển học bạ (là điểm tính theo kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS) để tuyển sinh.
Các trường THPT ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã được phép tuyển HS trên toàn TP, không phân biệt khu vực tuyển sinh như đối với các trường THPT công lập.
HS đã tốt nghiệp THCS (hoặc bổ túc THCS); bản thân HS hoặc bố, mẹ HS có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội, có đủ hồ sơ hợp lệ - đều có thể đăng ký dự tuyển.