Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực cải thiện chất lượng không khí

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, những thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được cập nhật rộng rãi, hàng ngày, trên phương tiện truyền thông.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm minh bạch hóa thông tin, qua đó thúc đẩy cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

AQI trung bình chiếm đa số

Căn cứ vào quy đổi giá trị AQI, đối chiếu, so sánh các chỉ số không khí tại 10 khu vực do Sở TN&MT Hà Nội cung cấp (bao gồm: Trung Yên 3, Minh khai, Hoàn Kiếm, Hàng Đậu, Kim Liên, Thành Công, Tân Mai, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Tây Mỗ) cho thấy, chất lượng không khí của Hà Nội trong 3 tháng gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Thậm chí có thời điểm nắng nóng, lưu lượng các phương tiện giao thông tham gia cao, song cũng chưa có khu vực nào nằm trong diện cảnh báo xấu. Đa phần nằm trong diện trung bình. Đặc biệt, hai tuần nay, các chỉ số AQI báo hiệu tốt lại chiếm đa số, còn lại chỉ số diện trung bình cũng chỉ nằm ở ngưỡng trên 50 - 70, trong khi AQI trung bình tối đa là 100.
 Chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Ảnh: Công Hùng
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, nhìn tổng thể, chất lượng không khí của Hà Nội đã và từng bước được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, tại các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng vẫn đang bị ô nhiễm nặng về bụi và benzen, tiếng ồn. Nổi cộm là khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm với các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao như: Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, ngã tư Cổ Nhuế, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, điểm đỗ xe buýt Long Biên, Bến xe Giáp Bát, ngã tư Cầu Diễn… Tại các khu công nghiệp, một số chỉ tiêu ở một số thời điểm vượt nhẹ. Riêng chỉ tiêu benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06:2009/BTNMT nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông.

"Việc Hà Nội đẩy mạnh công khai AQI trên các phương tiện truyền thông là việc làm rất thiết thực. Qua đó, Nhân dân biết được khu vực nào AQI an toàn và chưa thực sự an toàn để có những biện pháp đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đồng thời tự ý thức hơn được vai trò của bản thân trong các hoạt động gây tác động đến chất lượng không khí." - GS Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Sẽ đầu tư 30 trạm quan trắc

Phân tích nguyên nhân của hiện tượng bụi trong không khí mặc dù chất lượng không khí đã tăng lên, theo ông Mai Trọng Thái có nhiều nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất vẫn là do tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Cùng đó, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, một số phương tiện tham gia giao thông quá cũ, hết niên hạn sử dụng. Ngoài ra, chủ đầu tư các công trình xây dựng chưa tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường; xe chở nguyên vật liệu, phế thải không che chắn kín. Trong khi đó lại thiếu công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chồng chéo và nhiều bất cập; sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ, quyết liệt; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của DN cũng như người dân chưa cao.

Để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội đã và đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-TU của Thành ủy và KH 160/KH-UBND của UBND TP. Tiếp tục phối hợp với tổ chức AirParif (Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội. Triển khai Dự án “Đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” đến năm 2020, với quy mô đầu tư: 20 trạm quan trắc không khí (20 trạm quan trắc cố định tự động liên tục và 1 xe quan trắc tự động lưu động); 4 trạm quan trắc nước mặt; 6 trạm quan trắc nước dưới đất; quản lý, vận hành Trung tâm Quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường. “Khi đó, các cơ quan chức năng của TP sẽ có một hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội. Đây cũng sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô” – ông Mai Trọng Thái nhận định.