Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí?

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bài học chia sẻ và trao đổi của TP Paris trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, sẽ mang lại cho Hà Nội bài học kinh nghiệm quý giá.

Tọa đàm ''Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí''.

Chiều 12/10, Trung tâm Văn hóa Pháp (Viện Pháp) - L’Espace phối hợp với Trung tâm Sống Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Lean) cùng Công ty Cổ phần Văn Hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí”.
Hội thảo đã nêu lên những vấn đề ô nhiễm không khí và những nỗ lực thay đổi của TP Paris trong 20 năm qua, cùng với đó là câu chuyện ô nhiễm hiện tại của Hà Nội. Sự vào cuộc của chính quyền 2 TP này như thế nào để giải quyết ô nhiễm không khí.
Paris là TP đông dân ở châu Âu, trong 20 năm qua, Paris đã theo đuổi chính sách môi trường, đáp ứng kỳ vọng cao của người dân.
Năm 2004, Hội đồng Paris đã thông qua bản Kế hoạch khí hậu lần đầu tiên. Bản kế hoạch đưa ra đề cập đến các hành động cấp thiết vì lợi ích của người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng và đặc biệt, trong năm 2017, vùng phát thải thấp (French Low Emission Zone) đầu tiên của Pháp đã được thành lập.
Trong một bối cảnh khác, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt của Việt Nam, cùng với đó là việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), từ giữa tháng 9 đến nay, CLKK tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kì các năm từ 2015 - 2018.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Olivier Chretien - Trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị thành phố Paris cho biết, Paris đã đạt được những hiệu quả cụ thể, được đo lường bằng các con số, giảm tải được 30% về giao thông, giảm được 22% về lượng khí phát thải ra, giao thông công cộng phát triển mạnh, cứ 500m lại có một ga tàu điện ngầm…
Tuy nhiên, Paris vẫn còn nhiều việc phải làm khi nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn PM 2.5 là lò sưởi vẫn chưa được giải quyết triệt để và nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần được phải thay đổi.
“Trong vòng 20 năm, các nhà lãnh đạo trong TP Paris đã đưa ra rất nhiều chính sách, Hà Nội phải nghĩ rằng nếu các bạn chuyên biệt hóa từng khu vực của TP cho những mục đích khác nhau thì các bạn phải tạo nên phương tiện để tạo thuận lợi cho sự di chuyển ở khu vực này đến khu vực khác, đây là giải pháp luôn luôn cần phải đi kèm” - ông Olivier Chretien chia sẻ thêm.
Thời gian vừa qua, các tổ chức tại Hà Nội (Sở TN&MT, các tổ chức phi chính phủ như Live&Lean, GIZ…) đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm thay đổi chất lượng không khí Hà Nội ngày một tốt hơn: Lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội; hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; hạn chế đốt rơm rạ; xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo; Các chương trình truyền thông - giáo dục tại trường học, cộng đồng nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết…
Theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông (Sở TN&MT Hà Nội) cho rằng: “Để chúng ta có thể cùng hít thở một bầu không khí trong lành hơn, thì không chỉ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội… mà người dân làm thế nào để hiểu hơn và chủ động tham gia vào các công tác bảo vệ bầu không khí chung của Hà Nội, người dân nên cam kết và thực hiện đúng theo những quy định của pháp luật, ngay từ những việc nhỏ nhất”.