Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phải đưa ra quy chuẩn cho nông sản về Thủ đô

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại buổi làm việc của Ban Điều phối Chương trình phát triển chuỗi rau, thịt cung cấp cho Hà Nội với UBND tỉnh Nam Định chiều 28/9.

Tiêu thụ vẫn chưa ổn định

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Nam Định, trong 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho 20 cơ sở với 29 sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, tư vấn và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cá bống bớp Nghĩa Hưng, sản xuất chế biến gạo chất lượng cao do Công ty TNHH Toản Xuân, chuỗi liên kết sản xuất chế biến khoai tây chất lượng cao, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản, thịt lợn an toàn theo quy trình VietGAP…
Triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, thủy sản cho Hà Nội, Sở NN&PTNT Nam Định đã thành lập các đoàn công tác đến làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất lượng nông sản, đồng thời thời giới thiệu các mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh. Hiện nay, các DN của Hà Nội đã ký kết hợp đồng tiêu thụ rau, thịt, thủy sản an toàn.

Để đảm bảo cho hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn tại Hà Nội theo quy định của Luật ATTP, của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Nam Định đã tiến hành kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 280 cở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được kiểm tra, cấp gấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Ngoài ra, tỉnh Nam Định đã xây dựng được 293 mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó có 276 mô hình sản xuất lúa, 17 mô hình sản xuất rau màu.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn mang tính thời vụ cao, nhiều loại nông sản được thu hoạch trong thời gian ngắn. Do đó, việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến còn nhiều khó khăn, bất cập, không đáp ứng được các điều khoản hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến và siêu thị lớn.
Bên cạnh đó, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản có quy mô nhỏ lẻ nên chưa chủ động được trong việc đổi mới dây chuyền công nghệ, phương thức sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường. Đồng thời, chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, việc liên kết sản xuất dọc theo ngành hàng và liên kết giữa các DN sản xuất chế biến, kinh doanh nông sản ít được thực hiện. Mặt khác, bà con nông dân còn có tập quán bán sản phẩm thông qua tư thương, nội dung hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa DN và nông dân thiếu chặt chẽ, thiếu các biến pháp chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cũng chia sẻ, hiện nay tỉnh đang làm quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc nhưng còn bộn bề công việc phải làm. Đối với chương trình kết nối đưa nông sản về Hà Nôi, mặc dù đã được triển khai khá lâu nhưng hoạt động thực tế chưa nhiều. Do đó thời gian tới cần tăng cường các diễn đàn hợp tác giữa hai địa phương, tạo điều kiện cho các DN trao đổi với nhau.

Truy rõ nguồn gốc thực phẩm

Tại buổi làm việc, đại diện các DN, cơ sở sản xuất của hai tỉnh, TP đã cùng nhau trao đổi những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn về Hà Nội. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP có nhu cầu lương thực thực phẩm lớn. Mặc dù diện tích sản xuất lúa đạt 100.000ha, tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhưng sản xuất tại chỗ của TP chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Trong hai năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên đi trao đổi, kết nối đưa nông sản an toàn về Thủ đô. Đối với tỉnh Nam Định, ông Mỹ cho biết đặc biệt quan tâm đến hai sản phẩm là gạo chất lượng cao và thủy sản. “Sở đã giao cho các đơn vị chuyên ngành thường xuyên trao đổi thông tin và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song chúng tôi đề nghị Sở NN&PTNT Nam Định chỉ đạo các đơn vị, DN sản xuất đảm bảo ATTP” - ông Mỹ chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Trưởng đoàn công tác cho biết, ATTP là vấn đề nóng được sự quan tâm của toàn xã hội và được Quốc hội đưa vào chương trình giám sát năm 2016. Hoạt động của Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội là cơ hội để Nam Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tăng cường liên kết với Hà Nội và các địa phương khác. Đây cũng là cơ hội để các DN của Hà Nội tìm được bạn hàng cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm, hiện nay nhiều DN của Hà Nội đã tìm kiếm được bạn hàng và tỉnh Nam Định cũng đã hình thành được 3 mô hình liên kết ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thực tế việc kết nối các chuỗi sản phẩm an toàn với thị trường Hà Nội chưa được nhiều, chưa có sự bắt tay thực sự nên DN hai tỉnh, TP đang thiếu thông tin. Để khắc phục vấn đề này, hai địa phương cần công bố đầu mối liên kết, đồng thời Hà Nội sẽ đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản thực phẩm về Thủ đô với tư cách là một thị trường nhập khẩu. Sau đó cung cấp thông tin, công khai cho DN biết để triển khai. “Sản phẩm đưa về Hà Nội phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo ATTP” - ông Tám nhấn mạnh.

Trong buổi chiều, đoàn đã tới thăm mô hình chế biến ngao sạch của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Xá, TP Nam Định. Trước đó, trong buổi sáng, đoàn đã tới thăm mô hình nuôi cá bống bớp tại cơ sở Sơn Nguyệt (huyện Nghĩa Hưng), mô hình chế biến gạo tại Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên).