Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2016 của thành phố Hà Nội có việc giảm tỷ số giới tính khi sinh là 114 trẻ trai/100 trẻ gái;

Ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; nâng cao chất lượng dân số; giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của thành phố. Đó là yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch số 10/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, ban hành ngày 13/1, triển khai công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2016.
Mất cân bằng giới tính đang là thách thức cho toàn xã hội.
Mất cân bằng giới tính đang là thách thức cho toàn xã hội.
Theo đó, mục tiêu công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2016 của thành phố: Giảm tỷ suất sinh thô là 0,1%o so với năm 2015; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,1% so với năm 2015; tỷ lệ sàng lọc trước sinh (% số bà mẹ mang thai) là 72%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh (% số sinh) là 82%; tỷ số giới tính khi sinh là 114 trẻ trai/100 trẻ gái; số người áp dụng biện pháp tránh thai mới là 324.665 người.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu trên, đi đôi với tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy đảng các cấp về thực hiện công tác dân số - KHHGĐ; phối hợp liên ngành xây dựng, triển khai kế hoạch và đầu tư kinh phí, nguồn lực để thực hiện…, UBND thành phố yêu cầu thực hiện tốt các nội dung chương trình Dân số-KHHGĐ. Cụ thể, đảm bảo cung ứng đủ các phương tiện tránh thai miễn phí cung cấp cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn và chỉ tiêu kế hoạch phân bổ năm 2016. Xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cụ thể các biện pháp tránh thai cho từng quận, huyện, thị xã. Sở Y tế chỉ đạo tiếp nhận, quản lý, phân phối phương tiện tránh thai và cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đảm bảo về chất lượng dịch vụ…

Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và kỹ năng quản lý, theo dõi đối tượng cho cán bộ dân số các cấp. Tăng cường cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ qua hình thức tổ chức chiến dịch truyền thông kết hợp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ngay trước Tết Nguyên đán để tăng số người áp dụng biện pháp tránh thai và giúp cho thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên trong năm 2016. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đảm bảo đạt hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chương trình dân số các cấp. Tổ chức giao ban Ban chỉ đạo công tác dân số định kỳ, giao ban Ban quản lý chương trình. Đánh giá kết quả hoạt động công tác dân số định kỳ 6 tháng và cả năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cung cấp kiến thức và đào tạo kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ chuyên môn thực hiện chương trình và mô hình. Triển khai, duy trì các hoạt động can thiệp, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã: Mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi…; giảm thiểu tình trạng trẻ em béo phì; các mô hình khác theo hướng dẫn của Tổng cục Dân số…

Được biết, hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ là nam/100 trẻ nữ) của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước. Hiện tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội đang duy trì ở mức 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái (trong khi toàn quốc là 112,7%/100). Các quận, huyện có tỷ số giới tính cao trên 120/100 như Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín. Theo các nhà chuyên môn, chỉ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái.