Song không dừng lại ở đó, TP đặt mục tiêu Chỉ số PCI năm 2019 tăng điểm và tăng hạng so với năm 2018.
Tiên phong trong nhiều lĩnh vực
Giới chuyên gia, DN cho rằng không quá ngạc nhiên khi Hà Nội lọt top 10 bảng xếp hạng PCI năm 2018. Thực tế, Hà Nội đã tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện, TP đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước, sửa đổi bổ sung thay thế nhiều thủ tục., tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3%
. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công.
Hà Nội đã đi đầu trong một số cơ chế, chính sách đột phá như bãi bỏ quy định chi phí đăng ký kinh doanh của DN. Đến nay, hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Hà Nội cũng liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số DN trên địa bàn không ngừng tăng. Đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng số 260.379 DN. Trung bình mỗi năm, có khoảng 22.000 - 24.000 DN cho được thành lập.
Một điểm mạnh nữa của Hà Nội chính là thường xuyên tiếp xúc gỡ khó cho DN. “Việc tiếp xúc với DN, doanh nhân diễn ra hàng tháng đối với lãnh đạo TP và hàng tuần đối với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN. 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại DN ở cấp huyện, thị xã, do vậy những vướng mắc, bức xúc của DN đã có kênh giải toả khá hiệu quả. Đây cũng là lý do giúp Hà Nội đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI 2018” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam khẳng định.
Để tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ và phát triển DN, TP đã xây dựng và vận hành Công thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội; thông qua Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020.
Hà Nội cũng đi đầu trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và DN.
Trong Kế hoạch số 78/KH-UBND, triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Hà Nội phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến cấp độ 3, 4; thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4; giữ vững tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%; đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và giải quyết đúng hạn; thời gian thông quan hàng hóa dưới 5 giờ 15 phút đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 21 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu…
Chỉ số PCI đã thực sự trở thành chất xúc tác cho cuộc đua cải cách, góp phần tạo nên hình ảnh Thủ đô: “Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và DN là đối tượng để phục vụ”.
Động lực để cải thiện thứ hạng PCI
Đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng PCI năm 2018 với 65,40 điểm, Hà Nội đã về đích trước một năm so với mục tiêu đề ra. Con số này cũng đánh giá mức độ cải thiện khá tốt của Thủ đô khi đã tăng 4 bậc với 6 chỉ số tăng hạng so với năm 2017. Dù vậy, dư địa để Hà Nội cải cách còn rất nhiều bởi vẫn còn phải đạt hơn 35 điểm nữa mới đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.
Hơn nữa, khoảng cách với quán quân năm nay là Quảng Ninh (70,36 điểm) còn khá xa. “Hà Nội và các tỉnh TP nên phấn đấu đến cuối năm 2020 chạm gần hơn đến điểm số 100”- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đánh giá.
Sau 14 năm kể từ ngày công bố, đối với TP Hà Nội, PCI từ chỉ số được quan tâm như một kênh thông tin tham khảo hữu ích, đo lường cảm nhận của DN đối với môi trường kinh doanh, giờ đây đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành TP.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế, tập trung vào việc đáp ứng mặt bằng sản xuất, giảm chi phí hành chính cho DN, làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường ứng dụng CNTT để phục vụ DN, người dân hiệu quả hơn... Trong 10 chỉ số PCI, lãnh đạo TP Hà Nội đặt mục tiêu quyết giữ ở vị trí cao trong vấn đề đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN cũng như tính minh bạch trong quản lý cũng như quy hoạch.
Năm 2019, Hà Nội quyết tâm thực hiện năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Hy vọng, những nỗ lực của Hà Nội sẽ tiếp tục giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, đưa Hà Nội thực sự là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước, hướng tới một tầm nhìn trở thành một TP có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới.
"Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều cảm nhận được TTHC với các cơ quan chính quyền đang thuận lợi, ngắn gọn và thân thiện hơn. Lãnh đạo TP Hà Nội không chấp nhận tâm lý thỏa mãn, xác định tinh thần năng động, tập trung nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN cũng như xác định mục tiêu tiếp tục tìm dư địa để hỗ trợ DN... Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua; thể hiện rõ tinh thần cầu thị, quyết tâm thay đổi thứ hạng và trên hết là vì mục tiêu phục vụ DN. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền, các cơ quan hữu quan của TP. " - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn |