Phát biểu tại lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, công tác dân số của Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước.
Nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn xác định công tác dân số là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.
Năm 2022, với quy mô dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người, chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước, toàn TP đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con); tỷ suất sinh thô giảm trung bình hàng năm 0,1%.
Về cơ cấu dân số, TP đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) năm 2022 là 110,8/100, dự kiến 2023 là 112/100.
Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, dự kiến năm 2023 tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn TP ước đạt 83%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.
Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng. Đơn cử như mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù.
Để tiếp tục làm tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, triển khai Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của TP theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các đoàn thể, Nhân dân. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.
Cùng với đó, Hà Nội phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, phá thai không an toàn. Đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện về công tác dân số.
Tại lễ phát động, ghi nhận và đánh giá cao công tác dân số Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh, TP đã tham mưu kịp thời, chọn vấn đề cần ưu tiên để quyết liệt chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân số và phát triển, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về dân số đã được UBND TP phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số.
Sau lễ phát động, đông đảo đoàn viên thanh niên quận Tây Hồ đã tham gia diễu hành, cổ động trên các trục đường chính hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số.
9 tháng năm 2023, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 80,75 % (1.062.118 người cao tuổi được khám sức khỏe). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 89,81% (78.674 phụ nữ được siêu âm sàng lọc trước sinh); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,01% (62.399 trẻ được sàng lọc sơ sinh);
Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 53,4%. Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai mới 9 tháng năm 2023 là 429.245 người (đạt 108,7% KH năm).