Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát hiện ca mắc não mô cầu đầu tiên năm 2024

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Hà Nội vừa ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024; 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết; tăng 13 trường hợp; 129 ca tay chân miệng, tăng 45 ca so với tuần trước.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết; tăng 13 trường hợp so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2024 đến nay có 628 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Bệnh tay chân miệng trong tuần ghi nhận 129 ca, tăng 45 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó một số nơi có nhiều bệnh nhân là Hà Đông 14 ca, Đông Anh và Hoàng Mai mỗi nơi 10 ca. Tính từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 1.184 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trẻ tiêm phòng vaccine tại phòng tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Trẻ tiêm phòng vaccine tại phòng tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Bệnh ho gà trong tuần có 15 ca mắc, tăng 12 ca so với tuần trước. Cộng dồn đến nay là 78 trường hợp mắc tại 21 quận, huyện, thị xã. Trong đó bệnh nhân là trẻ em dưới 4 tháng tuổi chiếm 77%, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 77%.

Đặc biệt, tuần qua, Hà Nội ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Đó là nam bệnh nhân (22 tuổi, địa chỉ thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), có cơn rét run.

Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, cơn 1-2 phút, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở oxy, chống co giật, kháng sinh, sau đó chuyển Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, Kernig+, cứng gáy. Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng cho kết quả dương tính với não mô cầu.

Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như doanh trại, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ, nhà máy, công sở…

Bệnh não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh nguy hiểm khi gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Ngoài ra, cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng như: Liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…

Để phòng bệnh do não mô cầu, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, nhất là người mắc các bệnh lý mạn tính cần tiêm vaccine phòng ngừa sớm.

Các nhóm huyết thanh phòng các chủng gây viêm màng não không phòng ngừa chéo, nên dù trẻ đã được chủng ngừa nhóm B vẫn hoàn toàn có thể nhiễm nhóm A, C, Y và W. Do đó, ngoài tiêm vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B, người dân vẫn cần chú ý tiêm thêm vaccine phòng nhóm A, C, Y và W.

Liên quan đến các dịch bệnh khác, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch tuần tới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trạm y tế chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lưu ý các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ diễn biến phức tạp.

Các cơ cở chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Tây Hồ, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên.

Ngoài ra, các cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại, đồng thời triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.