Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 255 DN, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh. Năm 2021, TP có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 581 sản phẩm OCOP. Hiện, Tổ công tác giúp việc Hội đồng TP đã đánh giá, phân hạng được 483 sản phẩm, đề xuất TP công nhận, cấp sao.
Riêng tại huyện Mê Linh, đến nay toàn huyện đã có 35 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp từ 3 - 4 sao OCOP. Vừa qua, Tổ công tác giúp việc Hội đồng TP cũng tiến hành đánh giá, phân hạng, thống nhất đề xuất UBND TP Hà Nội thẩm định, cấp sao cho 20 sản phẩm khác, chủ yếu là các loại nông sản.
Với 1.054 sản phẩm OCOP, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước (cả nước có 5.105 sản phẩm). Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Sản xuất của chủ thể chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Một số sản phẩm chủ lực của các địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm OCOP phần lớn ở dạng thô sơ, hàm lượng công nghệ thấp, sức cạnh tranh chưa cao…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân TP Phạm Hải Hoa cho biết, với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã vận động, huóng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Tổ chức Hội cũng chủ động phối hợp với các sở ngành tổ chức quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân…
Trong năm 2022, Hội Nông dân TP sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tổ chức Hội cũng mong muốn huyện Mê Linh và các địa phương trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung, an toàn. Lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để đầu tư phát triển, chuẩn hóa chất lượng, tiến tới tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022.
Tại hội thảo, đại biểu sở ngành, đại diện các DN, hợp tác xã, chủ thể của huyện Mê Linh đã cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ, đóng góp nhiều nội dung. Trong đó đề nghị các cấp hội, sở ngành TP có thêm nhiều cơ chế, chính sách nhằm vận động, khuyến khích hội viên nông dân tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Trọng tâm là các cơ chế, chính sách về liên kết, sản xuất - tiêu thụ nông sản; phương thức huy động nguồn lực xã hội hoá, ứng dụng công nghệ cao… Nhiều ý kiến cũng đã tham góp vào hiện trạng, khuyến nghị có thêm nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị; thúc đẩy quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi hiện nay…
Hội thảo toạ đàm đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên nông dân trong quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và TP, các cấp uỷ Đảng và chính quyền huyện Mê Linh về Chương trình OCOP. Tháo gỡ nhiều băn khoăn của chủ thể sản xuất - kinh doanh trong phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên nông dân trong việc lan toả Chương trình OCOP...