Hà Nội phát triển chế biến nông sản: Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường Thủ đô và xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, trong đó trọng tâm là thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

Phát triển chưa xứng tầm

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) đã thành công với sản phẩm ống hút từ rau, củ, quả. Với diện tích 1.500m2, HTX phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ - nguyên liệu chính tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường.

“Ngoài công dụng chính dùng để uống nước, sản phẩm này còn có thể dùng chế biến món ăn. Ống hút được làm từ 100% nguyên liệu hữu cơ, dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm chất lượng. Mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 50.000 ống hút, cung cấp cho nhiều cơ quan, cửa hàng knh doanh đồ uống, cà phê trên địa bàn Hà Nội và một số siêu thị ngoại như Hàn Quốc, Đức...” - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng Lê Văn Tám cho hay.

 Đóng gói sản phẩm ống hút rau, củ, quả tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Bình Minh

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hương, chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế bảo quản ngắn của nông sản. Hơn nữa, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm thô. Hiện công ty có trên 30 sản phẩm gồm: Giò, chả, bánh chưng… Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng thực phẩm chế biến bán ra thị trường của công ty thậm chí còn tăng 15 - 20% so với thời điểm trước.

Nhận định công nghiệp chế biến là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Một số DN đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, trong số hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản, chỉ có 235 DN, còn lại là các HTX, hộ gia đình, cá thể. Chủ yếu sản phẩm của các DN chế biến tại Hà Nội là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%). Hiện, trung bình mỗi tháng số cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm, trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm chế biến của TP là trên 5.000 tấn/tháng.

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, với thị trường lớn, có nhiều điều kiện kết nối, hệ thống vận chuyển, kho bãi... thuận lợi thì số lượng DN chế biến nông sản của Hà Nội hiện còn rất khiêm tốn. Mặt khác, công nghệ chế biến ở các HTX, hộ sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp.

Cần thêm cơ chế thu hút doanh nghiệp

Chia sẻ về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ số thì công nghiệp chế biến là chọn lựa bắt buộc để phát triển. Thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử là những sản phẩm chế biến có chất lượng, thương hiệu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu cho chế biến, nguồn vốn và công nghệ là những điều DN chế biến nông sản của Thủ đô đang rất cần.

Dây chuyền chế biến gia cầm bán công nghiệp của Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bình Minh

Như vậy, để phát triển công nghiệp chế biến bền vững, Hà Nội cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa DN, HTX, nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đặc biệt là ổn định nguồn hàng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng của TP và địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút những DN có năng lực về nguồn vốn, công nghệ, thị trường… đầu tư vào lĩnh vực này để dẫn dắt các chuỗi liên kết hoạt động một cách hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực chế biến nông sản cho Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc tham mưu với TP có chính sách thu hút các HTX, DN đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cơ cấu lại lĩnh vực này theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Về phía các HTX, DN cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm để tăng khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Hà Nội hiện có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có hơn 400 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng... sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.