Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Tìm cơ chế tốt để hút doanh nghiệp

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, TP Hà Nội đã tổ chức trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) cho gần 90 sản phẩm.

Theo nhiều chuyên gia, kết quả này chưa phản ánh hết tiềm năng, thế mạnh của các DN công nghiệp Hà Nội. Để có thêm nhiều SPCNCL, TP cần có cơ chế tốt hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các DN, đủ sức thu hút các DN lớn tham gia chương trình.
Phát triển chưa xứng tầm 
Số liệu của Sở Công Thương cho thấy sau 2 năm xét chọn (2018 - 2019), Hà Nội có trên 90 sản phẩm được công nhận là SPCNCL chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, dù SPCNCL đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất công nghiệp TP Hà Nội, tuy nhiên nhiều SPCNCL TP Hà Nội đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp. Không chỉ có vậy, bản thân các DN có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ mà vẫn "mạnh ai nấy sống".
Sản xuất tại Công ty CP Kim khí Thăng Long, một trong những DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội. Ảnh: Thu Hương
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí Thăng Long Lê Chí Liêm chia sẻ, cùng sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Honda Việt Nam nhưng các DN chưa bao giờ bắt tay hợp tác với nhau, thậm chí có DN sẵn sàng bỏ giá thấp hơn đối thủ để có được đơn hàng mà không biết rằng làm như vậy là hại bạn, hại mình.
Khi nói về những bất cập trong quá trình phát triển SPCNCL, TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định: Dù mang danh hiệu SPCNCL nhưng việc chế tạo vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của DN chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu yêu cầu kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà DN đang phải đối mặt. “Chính những điểm yếu này khiến DN Việt Nam khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài” - TS Lê Đình Thiên chỉ rõ.
Từ những bất cập này các DN kiến nghị: Muốn có thêm nhiều SPCNCL, TP Hà Nội cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Trong đó, DN được hưởng lợi từ những chương trình xúc tiến thương mại qua đó có thêm cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại.
“TP Hà Nội phải xác định rõ sản phẩm nào là thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, có như vậy mới có thể tạo đà cho sự phát triển lâu dài. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển” - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội Phạm Hòa Bình kiến nghị.
Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước những ý kiến từ phía DN về một số những khó khăn đã gặp phải trong quá trình phát triển SPCNCL, tại Lễ công bố, tôn vinh SPCNCL năm 2019 do Sở Công Thương vừa tổ chức Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Nhằm hỗ trợ DN phát triển SPCNCL thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của SPCNCL. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.
Thực tế thời gian qua TP Hà Nội đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cụm công nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chỉ ra nguyên nhân khiến SPCNCL TP Hà Nội chưa phát triển xứng tầm là do hiện chưa có những cơ chế, chính sách đủ sức thu hút các DN lớn tham gia chương trình sản xuất SPCNCL.
Vì vậy thời gian tới, Sở Công Thương xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các DN có sản phẩm được công nhận là SPCNCL. Các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất SPCNCL TP khi đến giao dịch.
Đặc biệt nhằm tạo “sân chơi” cho các DN, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Nội vụ và Sở Công Thương thành lập Hội DN sản xuất SPCNCL TP Hà Nội. “Việc thành lập Hội sẽ tạo ra một tổ chức dành riêng cho cộng đồng các DN sản xuất SPCNCL trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời liên doanh liên kết hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để TP tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các DN sản xuất SPCNCL qua đó tháo gỡ khó khăn cho DN” - Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản nói.
Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SPCNCL của TP, hy vọng ngành công nghiệp Thủ đô sẽ có thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.

"SPCNCL Hà Nội không chỉ cố gắng xây dựng được thương hiệu, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng quốc gia, mà còn phải có hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường. Muốn làm được điều này, cần có dư địa cho phát triển công nghiệp, nhất là chú trọng chọn ngành đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và sản xuất. Có như vậy mới xứng tầm là DN có sản phẩm được công nhận SPCNCL Thủ đô." - Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên