Kinhtedothi - TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong khu vực nội đô (từ vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra, vào nội đô; các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe).
Trên đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 236/QĐ-UBND.
Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông.
|
Để thực hiện tốt Chương trình, TP sẽ huy động sự tham gia mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, có gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông; từng bước xây dựng văn hóa giao thông; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong hoạt động vận tải, thực hiện quản lý chặt chẽ tải trọng phương tiện; quản lý các bến bãi đỗ xe; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố.
Về chỉ tiêu, đến cuối năm 2020, giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn thành phố; giảm tai nạn giao thông từ 5-10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).
Để thực hiện chỉ tiêu trên, một trong những nhiệm vụ được thành phố quan tâm là tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tăng cường công tác tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu, đồng thuận và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Cùng với đó, thành phố dành nhiều sự quan tâm đến công tác tổ chức quản lý và điều hành giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, giải tỏa lòng đường vỉa hè. Ngoài ra, triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông cần triển khai thực hiện đồng bộ trong Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 với tổng dự toán 2.167,7 tỷ đồng đã được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 1/12/2015.