Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng các phương án, bảo đảm đủ nguồn hàng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẵn sàng các phương án ứng phó, bảo đảm đủ lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý. Đây là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

 Bà Trần Thị Phương Lan
Ngay sau khi thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17 được công bố, nhu cầu mua sắm và tích trữ nhu yếu phẩm của người dân đã tăng đột biến. Sở Công Thương Hà Nội đã có giải pháp gì?
- Tôi khẳng định dù nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng đột biến nhưng nguồn cung hàng hóa tại siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi khi xảy ra dịch, Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa thêm 30 - 40% so với ngày thường và DN cũng đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với tháng 2. Cụ thể dự trữ lượng hàng hóa của siêu thị Vinmart tăng 40 lần; Siêu thị Co.op Mart tăng lượng dự trữ tăng 30 %, hệ thống BigC tăng từ 30 - 40%... Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu Nhân dân khi phòng chống dịch.
Bà có thể cho biết con số cụ thể số lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống mà các siêu thị dự trữ, cung ứng cho thị trường Hà Nội?
- Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP ứng phó với dịch Covid-19, Hà Nội có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 30 - 50% so với nhu cầu bình thường trong một tháng. Cụ thể, lượng hàng hóa gồm gạo 46.485 tấn; thịt lợn gần 9.300 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm gần 3.100 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) trên 2.580 tấn; thực phẩm chế biến trên 2.580 tấn...
Với lượng hàng hóa dồi dào, ngành công thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, do vậy, người dân không nên lo lắng hay mua hàng tích trữ. 
Nếu dịch bệnh Covid-19 lan rộng, khi đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục dự trữ hàng hóa, vậy Sở Công Thương Hà Nội sẽ có phương án, biện pháp nào để bảo đảm đủ lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường?
- Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản ứng phó khác nhau. Cụ thể, khi dịch xảy ra ở cấp độ 1 và 2, sẽ chỉ đạo DN điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán.
Đối với dịch xảy ra ở cấp độ 3 và 4, thông qua việc nắm bắt thông tin, xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng, khả năng cung ứng của các DN, nhóm hàng có sức mua tăng cao; Trường hợp nguồn cung các đơn vị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân sẽ có phương án điều tiết, luân chuyển tới những điểm thiếu hàng đột biến, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, bảo đảm mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa.
Xin cảm ơn bà!