Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Lâm Đồng xúc tiến đầu tư, tiêu thụ nông sản

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn công tác của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhân dịp Đoàn đến thăm làm việc và kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP với các địa phương Hà Nội

Tham dự buổi tiếp có Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Về phía huyện Lâm Hà có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Sơn; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Văn Thuận.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp

Hỗ trợ xây dựng 17 công trình hạ tầng

Tại buổi tiếp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã giới thiệu khái quát với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Theo đó, trong thời gian dịch Covid-19, cũng như các địa phương khác, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, đây là thời điểm gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội. Với vai trò, vị trí Thủ đô của các nước, TP luôn phải duy trì các hoạt động đối ngoại, an ninh, quốc phòng cũng như các sự kiện quan trọng của Trung ương diễn ra trên địa bàn. Hôm nay TP bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, TP Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, Nhân dân của huyện Lâm Hà và sớm tổ chức Đoàn vào thăm làm việc với huyện. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP đã xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có huyện Lâm Hà. Hiện nay, tại huyện có nhiều địa phương đặt tên địa danh theo các huyện của Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ).

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện cả trước mắt cũng như lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Qua đó nâng cao đời sống cho người dân, bởi Lâm Hà là một phần của Hà Nội.

Về phía TP Hà Nội sẵn sàng ủng hộ huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tại Thủ đô. Đồng thời mong rằng, qua chuyến thăm và làm việc lần này, Đoàn đại biểu huyện sẽ học tập được các mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển nông thôn mới của Hà Nội. Trong đó, có kinh nghiệm phát triển mô hình nông thôn mới khi trở thành quận như huyện Đông Anh.

Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi tiếp, Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn thay mặt Đoàn đại biểu của huyện giới thiệu khái quát tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sau 36 năm thành lập và phát triển. Hiện nay huyện Lâm Hà có 150.000 dân với 14 xã và 2 thị trấn, trong đó chủ yếu là người gốc Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ). Người dân ở đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với 40.000ha cà phê và đứng thứ 2 sau huyện Di Linh của tỉnh Lâm Đồng.

Trong giai đoạn 2016- 2020, các địa phương của TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 17 công trình hạ tầng về giáo dục, giao thông… Nhờ đó Lâm Hà đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, đời sống của một số bà con nơi đây vẫn còn gặp khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Trong đó, huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhưng việc quảng bá, tiêu thụ thời gian qua chưa tốt. Vì thế, huyện mong muốn quảng bá, xúc tiến để tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại Hà Nội nhằm nâng cao giá trị kinh tế của địa phương và đời sống cho người dân nơi đây.

Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, có chiều sâu

Điểm lại những kết quả hợp tác, hỗ trợ của TP Hà Nội với huyện Lâm Hà thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chúc mừng những kết quả mà huyện đạt được trong thời gian qua. Trong đó, huyện Lâm Hà được ví như cầu nối để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa TP Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng. Sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở xúc tiến quảng bá nông sản của huyện tại Hà Nội mà còn thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện hơn, đặc biệt là hợp tác văn hóa, du lịch.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong dẫn số liệu thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 40% du khách đến với huyện Lâm Hà là từ Hà Nội. Vì thế, việc đẩy mạnh xúc tiến, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch giữa Hà Nội với Lâm Hà có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, TP Hà Nội có thể tổ chức các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đến biểu diễn, quảng bá tại huyện Lâm Hà. Cùng với đó, các cơ quan báo chí của Thủ đô có thể mở các chuyên mục để giới thiệu về vùng đất giàu tiềm năng của Lâm Hà. Đồng thời, TP Hà Nội có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình nông nghiệp; xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch tại Hà Nội.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Kết thúc buổi tiếp, Bí thư Thành ủy  Hà Nội Đinh Tiến Dũng một lần nữa bày tỏ vui mừng khi được tiếp Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà nhân dịp đến Hà Nội xúc tiến đầu tư, thương mại, tiêu thụ nông sản. Chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Hà thời gian qua với thu nhập bình quân đầu người hơn 82 triệu/năm.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội hiện có 2167 sản phẩm OCOP; để phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô thì cần liên kết hợp tác với các tỉnh trong cả nước nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Trong khi đó, huyện Lâm Hà có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững có thể hợp tác với Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở hợp tác với huyện Lâm Hà, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác toàn diện và mang tính chiều sâu trên các lĩnh vực với tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt về văn hóa nghệ thuật, giáo dục đào tạo… Đồng thời, TP sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện Lâm Hà tại Hà Nội; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hoàn thành hỗ trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện.

Bí thư Thành uỷ cho biết, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”… Nhờ đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Thủ đô ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.