Thưa ông, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có sự chuẩn bị như thế nào cho năm học 2019 - 2020 cũng như để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2019 – 2020 đã được triển khai tích cực ở tất cả các cấp, ngành trên địa bàn Thủ đô. Cùng với vấn đề cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học 2019 – 2020, chúng tôi cũng tham mưu với TP rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn TP đến năm 2020 – 2025 - 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Bản quy hoạch này đã được rà soát kỹ lưỡng với tất cả các quận, huyện, trước mắt tham mưu với TP đầu tư trung hạn từ nay đến năm 2020 để có thể đáp ứng cơ bản việc tăng học sinh hàng năm của TP Hà Nội với tốc độ rất nhanh.
Theo bản quy hoạch, giai đoạn 2016 – 2020, HĐND và UBND TP Hà Nội đã thông qua, dự kiến dành 30.117,4 tỷ đồng để thực hiện 1.732 dự án xây dựng và cải tạo các trường học các cấp. Tới nay đã thực hiện cơ bản những dự kiến kế hoạch trung hạn đến năm 2020.
Hà Nội hiện tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp; tập trung xóa các phòng học cấp 4, nâng cấp nhà vệ sinh; tăng cường trồng cây xanh trong trường học, môi trường sư phạm đảm bảo xanh – sạch - đẹp. Dự kiến, sẽ phân bổ 40 tỷ đồng cho 5 huyện khó khăn để đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và THCS công lập. Bên cạnh nguồn ngân sách, TP cũng kêu gọi các dự án xã hội hóa, đến nay đã có 152 dự án với tổng mức đầu tư trên 14.825 tỷ đồng, trong đó có 68 dự án đã triển khai và 38 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ở những nơi có khó khăn về trường, lớp học, các biện pháp khắc phục ngay trong năm học này là gì, thưa ông?
- Hà Nội ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất ở những vùng khó khăn thiếu trường, phòng học. Cùng với biện pháp đó, thực hiện tốt việc tổ chức tuyển sinh theo quy hoạch “3 tăng, 3 giảm”. Năm nay, TP cố gắng giảm học sinh trái tuyến bằng cách yêu cầu các quận, huyện có sự phân tuyến, để không còn học sinh trái tuyến “nóng” và mất cân đối ở một số điểm trường.
Một số khu vực của quận Hoàng Mai như khu Linh Đàm, với chủ trương tuyển sinh năm nay của Sở GD&ĐT Hà Nội, sĩ số học sinh trên lớp có phần giảm hơn năm trước. Tuy nhiên, những khu vực này do quá trình đô thị hóa nhanh nên sĩ số học sinh/lớp vẫn còn cao, là sức ép rất lớn của Thủ đô. Qua báo cáo của UBND quận Hoàng Mai và phòng GD&ĐT, công tác tuyển sinh đã hoàn tất, thực hiện cơ bản đầy đủ các điều kiện, yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Thời gian qua, ở một số nơi đã để xảy ra mất an toàn trong quản lý học sinh, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi đến các sở GD&ĐT yêu cầu có các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Đối với Hà Nội, Sở GD&ĐT đã có những giải pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ngành giáo dục Thủ đô luôn coi trọng việc đảm bảo an toàn đối với học sinh khi đến trường và trong trường học. Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quy chế phối hợp với Công an TP trong đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết những tệ nạn trường học.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn xảy ra những sự việc đáng tiếc. Vì vậy, tới đây, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành để tuyên truyền, tập huấn và đưa ra những biện pháp ngăn chặn ở mức tối đa, nhằm giảm thiểu sự mất an toàn trong và ngoài trường học. Đặc biệt là triển khai rộng khắp các khóa học bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh.
Công tác thu – chi đầu năm luôn là vấn đề nóng được phụ huynh quan tâm, lo lắng, vậy, Sở chấn chỉnh việc lạm thu thế nào?
- Để tránh tình trạng lạm thu tiền trường, ngay trước năm học mới, UBND TP Hà Nội đã công bố 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được đứng ra thu trong năm học 2019 - 2020. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn nếu xảy ra tình trạng lạm thu.
Xin cảm ơn ông!