Hà Nội: Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 4 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã có sự phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 1,6% so với tháng 3 và tăng 22,7% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 4,3%). Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 11,1% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ tăng 2,3%).

 Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trong từng giai đoạn cụ thể. Một số ngành đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 27%; sản xuất xe động cơ tăng 22,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15%; sản xuất trang phục tăng 14,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 14,6%...
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 4 ước tính tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 0,1%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%.
Chia theo ngành kinh tế, trong 4 tháng đầu năm, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh ở ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 22,9%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 10,4%). Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,9%; ngành khai khoáng giảm 46,9%.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực. Doanh thu của 77 doanh nghiệp  này năm 2020 ước đạt gần 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD.
Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp  trong nước còn có 10 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) với các thương hiệu toàn cầu như: Toto, Canon, Panasonic… có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Với mục tiêu phát triển chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, chương trình xét chọn của thành phố Hà Nội sẽ chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và có thương hiệu uy tín thuộc các ngành: Cơ khí, điện - điện tử, hoá nhựa, dệt may - da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm.
Dự báo năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và của Hà Nội nói riêng, nên sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các DN  sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực.
Do đó, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, Hà Nội sẽ có thêm nhiều sản phẩm công nghệ chủ lực mới, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực, tới đây Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã.  Đặc biệt, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực trở thành động lực phát triển kinh tế Thủ đô, UBND TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, UBND TP sẽ hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp.