Hà Nội sẽ bố trí đủ vốn cho dự án

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án xây dựng đường 5 kéo dài được khởi công từ quý II/2005, với tổng mức đầu tư khoảng 4.187 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Đường 5 kéo dài… vướng do đâu?

Do dự án xây dựng đường 5 kéo dài bị chậm tiến độ so với kế hoạch, trong khi giá nguyên vật liệu, nhân công không ngừng tăng cao nên đến ngày 7/2/2012, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 909/QĐ -UBND điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 4.187 tỷ đồng lên 6.661 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian thi công.

Tuy nhiên, dù được điều chỉnh thời gian và nguồn vốn, Dự án vẫn rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Theo Giám đốc Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn Nguyễn Thế Bình, dự án xây dựng đường 5 kéo dài được chia làm 10 gói thầu xây lắp chính, gồm 7 gói thầu xây lắp đường và 3 gói thầu phần cầu.
 
Hà Nội sẽ bố trí đủ vốn cho dự án - Ảnh 1
 
 
Những khó khăn vướng mắc làm chậm tiến độ thi công cầu Đông Trù (Dự án đường 5 kéo dài) sẽ được tháo gỡ.  Ảnh:  Thanh Hải
 
 
Hiện, các gói thầu xây dựng phần đường đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc, khó khăn lớn nhất hiện tại là tiến độ xây dựng các gói thầu cầu Đông Trù đang bị chậm. Lý giải cho việc công trình cầu tiếp tục bị chậm tiến độ, ông Bình cho rằng, tại thời điểm đấu thầu gói thầu xây lắp cầu năm 2009, do các nhà thầu trong nước chưa đủ điều kiện, năng lực thi công phần vòm ống thép nhồi bê tông cầu Đông Trù.

Do vậy, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn đã quyết định chỉ định thầu thực hiện thi công xây dựng gói thầu số 13. Trong đó, nhà thầu chính là Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 1 - Bộ GTVT và nhà thầu phụ thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông là Tổng Công ty cầu đường Quảng Tây - Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì có sự khác biệt về thể chế, chế độ chính sách nên ngày 28/6/2012 nhà thầu Quảng Tây đã xin rút khỏi dự án. Chưa hết, việc GPMB dự án chậm cũng đã kéo dài thời gian thi công cầu, trong đó, tại huyện Đông Anh vẫn còn vướng 37 hộ dân xã Đông Hội chưa bàn giao mặt bằng.

Đặc biệt, theo ông Bình, để thi công dự án năm 2013 cần khoảng 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện nay, Sở KH&ĐT mới bố trí được 525 tỷ, bằng 1/3 tổng kinh phí. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình. "Nếu những khó khăn về nguồn vốn và GPMB được giải quyết, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn cam kết sẽ hoàn thành dự án trong quý II/2014" - ông Nguyễn Thế Bình khẳng định.

Tập trung mọi nguồn lực cho dự án

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, đến thời điểm này, phần lớn trong tổng số 37 hộ dân nằm trong diện GPMB tại xã Đông Hội đã đồng ý với phương án đền bù, hỗ trợ GPMB. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa đồng ý với phương án hỗ trợ di dời do các hộ dân có đất nằm trong diện GPMB, nhưng đã có nhà ở nơi khác.

 Theo quy định, các trường hợp này sẽ không được nhận nhà tái định cư nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục đòi được bố trí nhà tái định cư… "Đây là vấn đề ngoài tầm quyết định của huyện nên chúng tôi đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội" - ông Trâm nói. Ngoài ra, còn một số hộ dân nằm trong diện tích đất kẹt giữa QL3 và đường 5 kéo dài tại xã Xuân Canh, đến nay, huyện cơ bản đã giải quyết xong. Ông Châm khẳng định, đến cuối quý I/2013, sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Trong khi đó, theo đại diện của quận Long Biên, những vướng mắc trong công tác GPMB tại quận cơ bản đã giải quyết xong, UBND quận sẽ bàn giao cho chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.Liên quan đến vấn đề nguồn vốn của dự án, lãnh đạo Sở KH&ĐT cam kết sẽ cấp đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án.

Lý giải về việc mới bố trí được 525 tỷ/1.500 tỷ trong năm 2013, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, đây mới là lần bố trí vốn đợt 1, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ bố trí đủ số vốn cần thiết cho chủ đầu tư thông qua nguồn vốn trái phiếu xây dựng Thủ đô.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án đường 5 kéo dài, chiều ngày 19/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc họp với các ban ngành liên quan, trong đó yêu cầu: UBND huyện Đông Anh đẩy nhanh tiến độ GPMB, tổng hợp báo cáo TP những kiến nghị của dân để đưa ra những phương án phù hợp.

Về nguồn vốn cho dự án, yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát các công trình trên địa bàn TP, những công trình nào chưa thật sự cần thiết, chậm tiến độ thì tạm dừng cấp vốn, chuyển nguồn vốn đó sang cho các công trình trọng điểm. Bố trí đủ 1.000 tỷ đồng còn thiếu trong năm 2013 cho Dự án đường 5 kéo dài theo phương châm, ưu tiên vốn ngân sách rồi mới tính đến nguồn vốn trái phiếu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần