Đồng thời, TP cũng sẽ không đầu tư xây dựng thêm Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Cải tiến chất lượng phục vụ, đổi mới toàn diện trong việc nâng cấp hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục. Tăng cường công tác chống trốn, chống đánh nhau, chống buôn lậu, chống tiêu cực trong quản lý học viên, tạo môi trường thân thiện để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện. Cung cấp dịch vụ đa dạng để thu hút được nhiều người nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại các trung tâm.
Hiện Hà Nội có 10 trung tâm cai nghiện và sau cai, trong đó 7 trung tâm cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, 3 trung tâm quản lý sau cai và tất cả vẫn đang hoạt động. Công suất của toàn bộ hệ thống này có thể điều trị cắt cơn, quản lý sau cai cho 8.050 đối tượng.
Điều trị Methadone giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
|
Trong năm 2015, TP cũng đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 40% hiện nay lên 50%. Tăng tỷ lệ người điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ 70%. Tăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ tốt công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tăng số người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Giảm số người cai nghiện ma túy bắt buộc tại trung tâm. Xây dựng và thực hiện Đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ sở cai nghiện bắt buộc phù hợp với nhu cầu cai nghiện và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đang khẩn trương lập kế hoạch thành lập 10 trung tâm điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone trên địa bàn thành phố. Dự kiến các trung tâm này sẽ khai trương trước ngày 1/2/2015, giúp những người nghiện ma túy được điều trị ổn định, chiến thắng bản thân, hòa nhập cộng đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng, điều trị nghiện. Phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.
Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, điều trị nghiện. Phấn đấu 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng, điều trị được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện. 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng, điều trị nghiện được đào tạo và được cấp giấy chứng chỉ. 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.
Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 75% vào năm 2020; giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại trung tâm từ 30% vào năm 2015 còn 20% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 50% vào năm 2015 lên 70%. Tăng tỷ lệ người điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tăng từ 70% vào năm 2015 lên thành 80%.