Trên cơ sở dạnh mục dự án đã được xác định, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng tại khu đô thị Long Biên - Gia Lâm và khu đô thị Mê Linh; 1 chợ đầu mối chuyên doanh thuỷ sản tại phường Yên Sở, quận Hoàn Mai; 1 trung tâm buôn bán cấp vùng tại khu đô thị Long Biên - Gia Lâm; 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại khu Mễ Trì, huyện Từ Liêm; 19 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các huyện, thị xã.
Trên đây là nội dung Quyết định vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành, phê duyệt Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại, giai đoạn 2012-2015, có tính đến năm 2020.
Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Ảnh minh họa)
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 414 chợ, trong đó, 12 chợ hạng 1; 67 chợ hạng 2; 304 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng. Mạng lưới chợ phân bố ở 10 quận, chiếm 33,82%, thị xã chiếm 2,66%; các huyện chiếm 63,52%. Bình quân một quận nội thành có 10,4 chợ, một huyện ngoại thành có khoảng 16,6 chợ.
Tổng diện tích đất chợ khoảng 1.560.536,2m2. Diện tích đất chợ bình quân đầu người là 0,25m2/người, chỉ bằng 50% so với chỉ tiêu này của cả nước.
Phần lớn các chợ xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các chợ, có khoảng 70 chợ kiên cố, chiếm 15,9%; 213 chợ bán kiên cố, chiếm 51,5%; 131 chợ lán tạm, chiếm 31,6%. Với những chợ tạm không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ...
Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ mặc dù được chú trọng nhưng do khó khăn về bố trí vốn ngân sách cũng như thực hiện xã hội hoá đầu tư nên cơ sở hạ tầng mạng lưới chợ vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Đa số các chợ được bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng lại, xây dựng mới là chợ tại khu vực trung tâm các huyện thuộc huyện Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây hoặc các chợ bán buôn như chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Đối với các chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý, việc đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, nâng cấp thực hiện theo mô hình chợ trung tâm thương mại và các dịch vụ hỗn hợp khác. Các chợ còn lại, chủ yếu được doanh nghiệp, HTX cải tạo, sửa chữa nhỏ, rất ít chợ được đầu tư xây dựng lại quy mô lớn... Nhìn chung, mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố chưa đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Về hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại, trên địa bàn thành phố có 20 trung tâm thương mại và 128 siêu thị, trong đó 6 trung tâm thương mại, 13 siêu thị hạng 1; 1 trung tâm thương mại, 26 siêu thị hạng 2; 7 trung tâm thương mại, 48 siêu thị hạng 3 và 6 trung tâm thương mại, 41 siêu thị chưa phân hạng.
Sự phát triển mạng lưới trung tâm thương mại ở thành phố Hà Nội mặc dù còn yếu, song sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn đã chứng tỏ triển vọng phát triển đóng góp đáng kể vào cải thiện chất lượng suộc sống của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm thương mại trên địa bàn còn khá nhiều tồn tại cần được khắc phục về cả mạng lưới phân bố, trình độ quản lý, đầu tư phát triển còn khó khăn...