Kinhtedothi - Thời gian gần đây Hà Nội đã quyết liệt áp dụng các giải pháp, biện pháp mạnh siết chặt quản lý vận tải hành khách.
Thời gian gần đây Hà Nội đã quyết liệt áp dụng các giải pháp, biện pháp mạnh siết chặt quản lý vận tải hành khách.Tuy nhiên, tình trạng xe “dù” bến “cóc” vẫn chưa được xử lý triệt để và có nơi hoạt động ngày càng tinh vi, khó lường và khó kiểm soát.Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành, đơn vị Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, các quận, huyện tăng cường phối hợp và thường xuyên kiểm tra, thanh tra, quản lý tốt các hoạt động vận tải hành khách.
Ảnh minh họa
Hiện nay, có dư luận cho rằng, vẫn còn tình trạng “chạy chọt” xin “nốt” xe vào các bến xe phải mất chi phí hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là vấn đề thời gian qua Hà Nội đặc biệt quan tâm tìm hiểu, điều tra để có các biện pháp xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này đang dừng ở mức dư luận, mà chưa phát hiện vụ việc cụ thể. Vì vậy, việc xử lý không hề đơn giản.
Ông Vũ Văn Viện- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đây là lĩnh vực hết sức khó khăn, thời gian gần đây có người cũng đã phản ánh vấn đề này lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù có thể chưa có chứng cứ cụ thể, nhưng quan điểm của Hà Nội luôn coi đây là trách nhiệm của mình để xem xét chấn chỉnh. Bên cạnh đó, ngành giao thông còn phối hợp chặt chẽ với ngành Công an quản lý tốt hơn, thậm chí điều tra trong quá trình quản lý, cấp phép cho vận tải hành khách. Sở cũng đang khuyến khích các cá nhân, tổ chức, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời cung cấp các chứng cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc dễ dàng hơn.
Ông Vũ Văn Viện cho biết thêm, với trách nhiệm quản lý trên địa bàn, Sở cũng lắng nghe cả thông tin dư luận để kịp thời quản lý và điểu chỉnh, chứ không chỉ khi phát hiện ra sai phạm mới bắt tay làm. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã rất nghiêm túc có văn bản kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội với mong muốn xác định rõ mức độ, tính chất và độ chính xác của thông tin dư luận cung cấp, để sớm chấn chỉnh. Những vấn đề trên nếu được công khai, minh bạch, cũng sẽ giúp Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố trả lời phản ánh của người dân, của cử tri kịp thời, chính xác và đúng bản chất hơn.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội hiện kết nối với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 540 tuyến vận tải của 404 đơn vị vận tải, khối lượng vận chuyển hàng năm đạt trên 61 triệu lượt hành khách đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đi và đến địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Riêng tại bến xe Mỹ Đình, nhiều năm qua UBND thành phố Hà Nội đã chì đạo Sở Giao thông Vận tải, Tổng Công ty vận tải và Công ty cổ phần bến xe Hà Nội không thực hiện bổ sung tăng tần suất hoạt động của các tuyến vận tải khách liên tỉnh đi và đến bến xe Mỹ Đình, tập trung hoàn thiện đội ngũ quản lý, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ trong bến. Tăng cường chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải như: Xử lý các xe “dù”, bến “cóc”, các phương tiện cố tình vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới thay thế phương tiện cũ xuống cấp…; đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ngày 26/6/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó quy định “Đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết…”.
Hà Nội đã công bố công khai trên Website của Sở Giao thông Vận tải và thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch của Bộ.