Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị “Đối thoại gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố” diễn ra ngày 5/4.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Hiện TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.348 ha, thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 102 CCN đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha, hiện các khu, CCN đều có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển các khu, CCN nhưng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất đã gặp nhiều khó khăn. Phản ánh về những nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình đầu tư, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư dự án CCN CN3 tại huyện Sóc Sơn với diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha.
Tuy nhiên, vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. “Đề nghị UBND TP Hà Nội gia hạn thời gian thực hiện dự án, huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này”-ông Hải kiến nghị.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tư CCN làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), Giám đốc Công ty CP Hanel Mirolin Phạm Thùy Trang nêu rõ, hầu hết chủ đầu tư CCN là doanh nghiệp nhỏ, nên UBND TP và các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần thay vì trả hằng năm. “Khi doanh nghiệp trả tiền một lần thì đó là tài sản được hạch toán, đủ điều kiện thế chấp vay ngân hàng. Còn khi trả tiền hằng năm, doanh nghiệp chỉ thế chấp được tài sản trên đất”-bà Trang lý giải.
Tương tự, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm Ulrich Petersen kiến nghị UBND TP Hà Nội tái khởi động các thủ tục để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai sớm. Bên cạnh đó UBND quận Bắc Từ Liêm sớm lập quy hoạch 1/2.000, vì đây là thủ tục rất quan trọng để thúc đẩy các hoạt động tiếp theo của dự án.
Thực tế cho thấy không chỉ doanh nghiệp mới gặp những khó khăn trong quá trỉnh đầu tư sản xuất tại các khu, CCN mà cơ quan quản lý cũng trong tình trạng tương tự. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển của các khu, CCN Hà Nội đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đó là về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, CCN (giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các Nghị định về quản lý, phát triển CCN); trong lĩnh vực đất đai (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất..); về giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
“Sở Công Thương cũng đã có văn bản phản ánh những khó khăn này tới các bộ, ngành nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo” - bà Lan phản ánh.
Song hành cùng doanh nghiệp
Đề xuất tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất tại các khu, CCN, đại diện Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị thời gian tới Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để TP triển khai thành lập, mở rộng các CCN trên địa bàn.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tới đây TP Hà Nội chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.
Để làm được điều này các sở, ngành sẽ thường xuyên hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư. Các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan… hỗ trợ doanh nghiệp khởi công dự án sớm nhất. “Sở TN&MT cần phối hợp với doanh nghiệp, tùy theo từng giai đoạn dự án cụ thể để giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu đã hoàn thành 95% việc giải phóng mặt bằng thì tiến hành giao đất đợt 1 cho doanh nghiệp triển khai dần các tiến độ của dự án” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.
Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các CCN cũ qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.
Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, CCN trên địa bàn TP. Các cấp, ngành cùng UBND TP hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục.
“Chính quyền TP Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cam kết.