Năm 2018, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị là: Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Trung tâm Phát triển cây trồng, Trung Phát triển thủy sản. Năm 2018, tình hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực và có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, trong từng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản được tái cơ cấu lại sản xuất đã góp phần tăng giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mô hình trồng bưởi Diễn tại huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kinh tế cao |
Về lĩnh vực phát triển cây trồng: Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm và sản xuất giống cây trồng với quy mô 229,2ha, tại 16 xã đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau của thành phố. Qua đó, Trung tâm đã đánh giá, lựa chọn được 3 giống bổ sung vào cơ cấu giống của TP, gồm: Kim Cương 111, Bắc Hương 9, QR 1.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng khảo nghiệm sản xuất một số giống dưa lưới triển vọng, gồm: Chu Phấn và Bảo Khuê cho năng suất cao, chất lượng ngon, ngọt. Đặc biệt là, việc tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến đã nâng cao chất lượng quả bưởi Diễn tại một số vùng bưởi tập trung trên địa bàn TP. Năng suất tăng 15 - 20%; mã quả vàng sáng, bóng, mịn; Hiệu quả kinh tế đạt bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Về lĩnh vực phát triển chăn nuôi: Đến nay, toàn TP có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, trong đó có: 15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm với 10.787 con/2.323 hộ nuôi; 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với 25.294 con/14.832 hộ nuôi; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 211.933 con/6.144 hộ nuôi; 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với hơn 6,2 triệu con/15.842 hộ nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn 4.296 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Đáng chú ý, TP có 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 100% các mô hình đều đầu tư con giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao. Hiện, tỷ lệ lợn nái ngoại thuần và nái ngoại chiếm 86%, đàn lợn nái ngoại cao sản nhập từ Pháp, Đan Mạch cho năng suất sinh sản vượt trội; số lợn con cai sữa của đàn nái ngoại đạt trên 25 con/nái/năm. Tỷ lệ đàn bò thịt được lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống ngoại chất lượng cao đạt trên 80%.
Thực hiện dự án “Chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, đến nay từ 11 mô hình chuỗi của dự án đã phát triển thành 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, gồm: 11 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp. Hàng ngày, các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn thịt gia cầm; 28,4 tấn thịt lợn; 1,5 tấn thịt bò; hơn 300.000 quả trứng; 78 tấn sữa đảm bảo ATTP.
Về lĩnh vực phát triển thủy sản, trên địa bàn TP đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn (chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố) tại một số huyện như: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Thanh Trì…
Nhiều giống cá đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như cá chép Hungary, trắm cỏ… cho lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Hiện, toàn TP có 22.200ha, sản lượng thủy sản đạt 115.000 tấn, sản xuất trên 1,7 triệu tấn cá giống các loại…
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, năm 2019, Trung tâm đặt mục tiêu xây dựng được 1 - 2 giống lúa, ngô mang tên Trung tâm, lựa chọn 2 - 3 giống cây trồng bổ sung vào cơ cấu của Hà Nội; xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ đạt 350 - 400 triệu đồng/ha; xây dựng 1 - 2 sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho các xã trọng điểm mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục lưu giữ đàn cá giống bố mẹ hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo phương pháp hữu cơ, công nghệ mới cho nông dân…
Với những thành tích đã đạt được trong năm qua, nhiều tập thể và cá nhân thuộc Trung tâm đã vinh dự được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen; Sở NN&PTNT tặng Giấy khen.