Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng PCI: Kết quả từ nỗ lực cải cách hành chính

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố sáng 14/3 ghi nhận nỗ lực cải thiện điểm số của hầu hết các tỉnh, thành, đặc biệt là nhóm 5 TP trực thuộc T.Ư.

Trong đó, Hà Nội vươn lên vị trí 14, tăng 10 bậc so với bảng xếp hạng 2015.
Nâng chất lượng điều hành
Năm thứ 4 liên tiếp, Đà Nẵng giữ ngôi vị quán quân PCI với số điểm 70/100. Trong khi đó, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 với 65,60 điểm, kế tiếp là Đồng Tháp 64,96 điểm. PCI 2016 cũng đánh dấu sự trở lại của Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) trong nhóm những tỉnh, thành có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm). Các tỉnh, thành khác như Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các DN dân doanh về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đáng ghi nhận trong PCI 2016 là các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa các tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua. Bên cạnh đó là xu hướng cải thiện điểm số PCI của 5 TP trực thuộc T.Ư.
 Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, Khu Công nghiệp Thăng Long. Ảnh:  Thanh Hải
Theo ông Tuấn, chính quyền các tỉnh đã có sự cải thiện rõ nét so với năm 2015 là chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký DN. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là những trở ngại với DN trong nước.
Kết quả điều tra PCI 2016 cũng phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các DN dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ DN tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13%. Các DN tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% DN dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức của năm trước đó.
Điều tra gần 1.600 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. Theo ông Edmund Malesky - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, 11% DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số DN có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Hà Nội tăng 10 bậc
Sau nhiều năm nỗ lực, lần đầu tiên Hà Nội đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt và ở vị trí 14/63 tỉnh, TP. Vị trí này cải thiện 10 bậc so với bảng xếp hạng PCI năm trước. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh mặc dù điểm số PCI tăng 0,36% nhưng thứ hạng lại giảm 2 bậc, xếp thứ 8 với 61,72 điểm, do một số tỉnh khác như Bình Dương, Vĩnh Long có nhiều cải thiện mạnh mẽ hơn.
Đại diện nhóm nghiên cứu PCI đánh giá, năm 2016, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và “một việc – một đầu mối xuyên suốt”. Những nỗ lực này bước đầu được cộng đồng DN ghi nhận, thể hiện rõ nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức (lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm). Cụ thể, 53% DN cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng đáng kể so với con số 49% năm 2015 và 38% năm 2014. 49% DN cho biết “cán bộ Nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng mạnh so với năm 2015 (36%). Tỷ lệ cho biết “tình trạng nhũng nhiễu DN là phổ biến” đã giảm ấn tượng từ 78% năm 2015 xuống còn 69%.
Báo cáo PCI 2016 còn chỉ ra 10 địa phương được DN đánh giá là đầu tư hấp dẫn nhất cả nước, trong đó Hà Nội xếp thứ 3 sau TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Phần lớn DN chọn TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội vì các cơ hội kinh doanh (81 - 85%), hoặc quy mô thị trường (74%). Yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng điều hành tốt chỉ thu hút 29% nhà đầu tư tới TP Hồ Chí Minh hay 22% tới Hà Nội. Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng - địa phương có tới 7 lần đứng đầu bảng xếp hạng PCI thì chất lượng điều hành tốt đang giúp thu hút được tới 65% số nhà đầu tư tiềm năng. Hay như Lào Cai, dù là tỉnh miền núi với vị trí kém thuận lợi, cách xa các TP lớn, cơ sở hạ tầng hạn chế hơn nhưng cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành hấp dẫn về đầu tư.
Có thể nói, dư địa để các địa phương cải cách vẫn còn rất lớn, càng những địa phương xếp thứ hạng cao thì áp lực trụ hạng và cải cách càng mạnh mẽ.
Các DN FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. Tuy nhiên, họ vẫn e ngại về môi trường kinh doanh và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các TTHC hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN.
Ông Edmund Malesky - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI

Tạo ra nhiều hơn nữa việc làm cho người dân là trọng trách của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là động lực phát triển đất nước, là chìa khóa giải quyết các vấn đề, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn về phương diện chính trị, xã hội.
Chủ tịch VCCI  Vũ Tiến Lộc

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam: Tăng hạng PCI phản ánh rõ nhất nỗ lực của Hà Nội
Kết quả từ việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội thời gian qua được cộng đồng DN ghi nhận khi chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của TP tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng. Ông Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin về vấn đề này.
Ông có thể cho biết những cải cách của Hà Nội để có được mức cải thiện đáng kể về thứ hạng này?
- Có thể nói, trong mấy năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội được đẩy mạnh, các hoạt động hướng tới phục vụ DN là nội dung quan trọng của TP, từ lãnh đạo TP đến các sở, ban, ngành quyết tâm thực hiện. Chính vì thế, PCI  của Hà Nội năm 2012 xếp hạng 51, năm 2013 là 33, năm 2014 là 26, 2015 là 24, năm 2016 là 14, từ hạng khá lên hạng tốt. Có được kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền TP vì DN, xác định DN là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Vậy, trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cụ thể cải cách của Hà Nội ra sao?
- Để phát triển kinh tế - xã hội thì phải đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ cho DN. Năm 2016 là năm Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc về số lượng DN đăng ký với trên 20.000 DN thành lập mới. Trong 2 tháng đầu năm 2017 có 2.880 DN đăng ký mới, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này phản ánh nỗ lực của TP đẩy mạnh CCHC, trong đó có đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng. Đến nay, khoảng 68% DN đăng ký qua mạng (chỉ tiêu được giao là khoảng 10 - 15%). Điều này khiến cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực của  Hà Nội.
Vậy, mục tiêu sắp tới của Hà Nội như thế nào?
- Không chỉ có Hà Nội mà 63 tỉnh, thành đều nỗ lực, điều đó cho thấy đó là sự cố gắng của cả quốc gia. Năm 2016, Hà Nội đã cố gắng và vượt 10 bậc, đứng thứ 14, và tôi tin tưởng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến cuối 2019 - 2020, Hà Nội có thể lọt vào top 10.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội có giải pháp gì cho cộng đồng DN?
- Hà Nội đã tạo ra sân chơi cho cộng đồng DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với vườn ươm công nghệ thực phẩm, vườn ươm công nghệ thông tin… và hướng tới có tòa nhà riêng phục vụ khởi nghiệp sáng tạo. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh CCHC thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP về “Năm kỷ cương hành chính”. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năm 2017, để tạo chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, Hà Nội sẽ đồng hành, hành động vì DN, thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, sau khởi nghiệp; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh...
Xin cảm ơn ông!
Khắc Kiên (thực hiện)