Ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính, Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) khẳng định, Hà Nội phấn đấu hoàn tất Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển DN 100% vốn Nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 trước kế hoạch.
Dồn dập cổ phần hóa
Thống kê từ Sở GDCK Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2015, số DN Hà Nội tiến hành IPO qua HNX là gần 20 đơn vị, riêng trong tháng 3 đã chiếm gần 50%, thậm chí, có ngày 2 DN cùng tiến hành CPH.
Theo ông Phạm Công Bình, năm 2014, TP Hà Nội thực hiện sắp xếp, CPH 27 DN và bộ phận DN, đến nay kế hoạch này cơ bản đã hoàn thành. Căn cứ vào tình hình thực tế và kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP giai đoạn 2012 - 2015 đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 UBND TP triển khai sắp xếp, CPH 31 DN và bộ phận DN. Trong đó, CPH 25 DN và bộ phận DN, tiếp tục thực hiện bán 2 DN và phá sản 3 DN. Việc gấp rút CPH một loạt các công ty thành viên, công ty con của các DN lớn vừa qua là tiền đề để tiến tới việc CPH các công ty mẹ được nhanh chóng.
Để tạo thuận lợi hơn cho các DN, BCĐ đã quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN, nhất là tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong từng đề án, phương án CPH tại các DN để đẩy nhanh tiến độ. “Trong thới gian tới, BCĐ tiếp tục trình TP để thông qua đề án của 4 DN là Công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa, Giầy Thượng Đình, Công ty TNHH MTV Sách và Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Tràng Thi. “Mục tiêu là phấn đấu hoàn thành tiến độ sắp xếp, CPH DNNN của Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 xong trước ngày 30/9/2015” - ông Bình khẳng định.
Doanh nghiệp đã quyết tâm
Trên thực tế, các DN CPH năm 2015 đa số là các DN lớn, tổng công ty và UBND TP chưa thống nhất được tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại ở các đơn vị này sau CPH. Hoặc khó khăn trong việc xác định giá trị DN, nhất là từ lâu chuyện nợ nần, thua lỗ; bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, chế độ chính sách cho lao động dôi dư… vẫn là vấn đề khó khăn chung tại nhiều DNNN. Về vấn đề này, ông Phạm Công Bình cho biết, gần đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, theo đó khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài chính, CPH theo quy định tại Nghị định 59.
Đối với việc nợ nần kéo dài, thực tế CPH cho thấy trong một số trường hợp do thời điểm CPH không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều, không kịp đối chiếu. Để giải quyết vấn đề này, DN CPH phải báo cáo các bộ, địa phương xem xét, xử lý và Hội đồng thành viên DN CPH phải giải trình rõ nội dung khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm DN CPH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu. Đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị DN cũng như phương án CPH làm cơ sở bán đấu giá cổ phần.
Khó khăn nhiều, song quan trọng nhất là DN khi tiến hành CPH phải chủ động và có chiến lược hành động rõ ràng, cụ thể. Như viêc thoái vốn ngoài ngành, không ít DNNN phải thoái vốn với số tiền lên đến hàng trăm tỷ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, thống kê từ Chi Cục Tài chính DN, đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà đã thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp tại Liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á và Liên doanh I.B.D. Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty Liên doanh xây dựng và Vật liệu xây dựng Sunway Hà Tây. Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế Hà Nội đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty Liên doanh xây dựng và Vật liệu xây dựng Sunway Hà Tây.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel Nguyễn Quốc Bình cho biết, theo kế hoạch Hanel sẽ hoàn tất quá trình CPH, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 9/2015. Hiện, Hanel đã lập hồ sơ phương án CPH, gồm dự thảo điều lệ tổ chức hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh, phương án sắp xếp lao động. Hiện tại, Hanel đã thực hiện thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng. Theo kế hoạch, việc bán cổ phần và tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu sẽ được thực hiện để Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình mới từ tháng 9/2015”.
Rõ ràng nhận thức về đổi mới DNNN đã có sự chuyển biến đáng kể và được đẩy lên thành quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo. Để đẩy nhanh tiến trình này dù vẫn có nhiều nút thắt cần tháo gỡ nhưng từ quyết tâm của những người cao nhất, có lẽ tiến trình CPH DNNN sẽ được đẩy nhanh hơn.
Công ty Giày Thượng Đình đã trình phương án cổ phần hóa trong thời gian tới.
Ảnh: Quỳnh Linh
|
DN cố tình chây ì sẽ phải nghiêm túc kiểm điểm Công tác sắp xếp, đổi mới DN là vấn đề được lãnh đạo Chính phủ, TP, lãnh đạo các bộ, ngành hết sức quan tâm. Để hoàn thành một khối lượng công việc lớn, BCĐ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, DN trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả. BCĐ cần nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác đổi mới và phát triển DN như việc thực hiện chính sách lao động dôi dư, xử lý tài chính và xác định giá trị DN, quản lý tiền thu từ sắp xếp, CPH DNNN và một số tồn tại khi tiến hành. Nếu vướng mắc vượt cấp, TP sẽ tập hợp kiến nghị T.Ư tháo gỡ, kịp thời giải quyết. UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao kế hoạch tiến độ CPH cho từng DN để triển khai thực hiện. Đối với DN chậm, cố tình chây ì sẽ phải nghiêm túc kiểm điểm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Nguyễn Văn Sửu
|